Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân Nam Bộ
Ngày đăng: 13/01/2021
Gần 1.000 nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu, tăng ni, phật tử tham dự hội thảo ‘Phật giáo vùng Nam Bộ: Sự hình thành và phát triển’. Đây là hoạt động khởi đầu cho chuỗi sự kiện mừng Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày 10/01, tại cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp tổ chức hội thảo Phật giáo vùng Nam Bộ: Sự hình thành và phát triển.

Hội thảo có hơn 150 học giả là các nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu viết tham luận về 5 chủ đề: Phật giáo vùng Nam Bộ: Sự hình thành và phát triển; Phật giáo vùng Nam Bộ trong thế kỷ XX; Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ; Phật giáo Nam tông tại vùng Nam Bộ; Phật giáo các tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM); ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng gần 1.000 tăng ni, Phật tử đã tham dự hội thảo.

Hội thảo Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển, nhằm giúp cho công chúng hiểu rõ các giai đoạn lịch sử của quá trình truyền bá, lan tỏa và phát triển Phật giáo vùng Nam Bộ, cũng như vai trò và sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội trong các cộng đồng dân tộc ở vùng Nam Bộ.

 

Đông đảo tăng, ni tham gia hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hoạt động ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: "Đặc trưng của Phật giáo vùng Nam Bộ chính là sự đa dạng, đi cùng với tính dung hợp, gắn với tính thực tiễn và có sự đóng góp đáng kể vào xây dựng văn hóa, xã hội, tạo ảnh hưởng tích cực đến nhiều vùng đất khác.

Trong gần 10 năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo quan trọng liên quan đến các chủ đề Phật giáo trong tiến trình văn hóa, xã hội và lịch sử Việt Nam".

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan và Hòa thượng Thích Trí Quảng đại diện ký kết ghi nhớ hợp tác hoạt động giữa hai đơn vị

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: "Hội thảo này là điểm khởi đầu thú vị. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cần tiếp tục tổ chức các hội thảo và biên soạn các sách chuyên khảo về Phật giáo vùng Nam Bộ bao gồm cơ sở khoa học, chuẩn xác về niên đại, truyền thừa có cơ sở lý luận, nền tảng triết học, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử nhằm làm nổi bật những nét đặc trưng của Phật giáo vùng Nam Bộ"./.

 

Nguồn: tuoitre.vn