Nhật ký của tu sĩ từ bệnh viện Covid-19: “Mình xem bệnh nhân như người thân”
Ngày đăng: 28/07/2021
Tu sĩ Ngọc mặc đồ bảo hộ trước khi vào chăm sóc bệnh nhân - Ảnh: NVCC
Tu sĩ Giuse Ngô Xuân Ngọc, dòng La San, phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) với nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân ở khoa cấp cứu đã chia sẻ với Công giáo và Dân tộc một vài tâm tình:

“Những ngày đầu mới đến bệnh viện nhận nhiệm vụ mình còn cảm thấy bỡ ngỡ vì không biết phải làm gì và nên làm gì. Đến bây giờ các nhóm đã quen việc và khá tự tin để làm.

Công việc được phân chia theo 3 ca 4 kíp. Nhóm mình có 16 người, chia thành 4 nhóm nhỏ. Mỗi ngày có 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Việc phân chia này là của bệnh viện, theo như ca trực của các nhân viên y tế luôn. Mục đích là để đủ sức làm việc lâu dài.

Mình thuộc nhóm ở khoa cấp cứu A1. Công việc chủ yếu là phụ các chị điều dưỡng thay tã cho bệnh nhân, lau người, thay tấm trải giường... Sau đó, dọn vệ sinh phòng bệnh và sảnh khu cấp cứu. Điều nguy hiểm nhất chính là việc phải tiếp xúc thường xuyên với các ca nhiễm nặng, nếu sơ sẩy, nguy cơ lây bệnh rất cao.

Khoa cấp cứu A1 có tầm trên 20 bệnh nhân, đa phần đều hôn mê, chỉ vài người tỉnh táo. Mọi sự đều thực hiện trên giường, vệ sinh tại chỗ, thay tã tại chỗ, thay ga giường cũng thế, ăn cũng thế. Mình xem các bệnh nhân đó cũng như cha mẹ, như người thân của mình, nên những việc đó không mấy khó khăn.

Những ngày làm việc ở đây, mình đặc biệt cảm phục tinh thần hy sinh, làm việc quên mình của nhân viên y tế. Họ mặc đồ bảo hộ suốt 8 tiếng hoặc hơn để chăm sóc cho bệnh nhân mà không uống nước, không đi vệ sinh. Dù cho nóng nực thế nào đi nữa, họ cũng ân cần và chu đáo săn sóc cho người bệnh.

Còn bệnh nhân thì rất đáng thương, một mình chiến đấu trên giường bệnh để giành lấy sự sống mà không có người thân yêu bên cạnh. Đúng là cơn đại dịch khiến những mối tương quan tưởng chừng không gì có thể ngăn cách lại trở nên mong manh. Một người nhà điện thoại đến cho bệnh nhân, một sơ nghe điện thoại. Người con hỏi sơ: ‘Chị ơi má em bây giờ đang ở đâu?’. Nghe thật xót xa. Rồi khi có bệnh nhân qua đời thì được đưa đi hỏa táng, sau đó mới giao tro cốt lại. Trông thật buồn…”.

 

Ngọc Lan (ghi)

Theo Báo Công giáo và Dân tộc