Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc': Tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc
Ngày đăng: 01/02/2023Thông tin từ Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 31/1 cho biết: Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' sẽ diễn ra từ ngày 11-12/2 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đây là hoạt động thường niên mừng Đảng, mừng Xuân tại Làng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; phục vụ khách du lịch những ngày đầu năm mới.
Nghi lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp, tỉnh Bình Thuận. Ảnh tư liệu: Hồng Hiếu/TTXVN
Chương trình có sự tham gia của hơn 200 người đến từ 25 cộng đồng dân tộc ở 14 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền, trong đó có 60 người dân tộc Thái, tỉnh Sơn La; 30 người dân tộc Chăm Bàlamôn, tỉnh Ninh Thuận; 30 người dân tộc Thổ, tỉnh Thanh Hóa; 20 người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) của một số cộng đồng các dân tộc Mảng, Kháng, Si La, Hà Nhì (Lai Châu), Pà Thẻn, Pu Péo, La Chí, Bố Y (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An). Bên cạnh đó là sự tham gia của 100 đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng…
Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động được tổ chức: chương trình “Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước”; gặp mặt và chúc Tết đồng bào với các bài ca về Đảng, Bác Hồ, mùa Xuân của dân tộc, góp phần tạo không khí mừng năm mới trên các vùng miền đất nước. Chương trình do đoàn nghệ nhân các tỉnh Sơn La, Ninh Thuận, Thanh Hóa thực hiện.
Đồng bào Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận sẽ tái hiện Lễ hội đền tháp (lễ Katê) tại quần thể tháp Chăm, Khu các làng dân tộc III. Lễ hội Kate của đồng bào Chăm theo tôn giáo đạo Bàlamôn diễn ra hàng năm vào tháng 7 theo lịch Chăm trên một không gian rộng lớn từ đền tháp, xóm làng, gia đình. Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Dam…; tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người.
Lễ hội Katê gắn liền với những đền tháp cổ kính - nơi ngưng đọng nét đẹp một thời của nền văn minh Chămpa rực rỡ. Lễ hội này có nghi thức mặc y trang cho thần (Angui khan aw Yang) và đại lễ (Mưliêng Yang)... Bên trên sân lễ là các điệu múa đền tháp và hai bên là trình diễn nghề dệt của làng nghề Mỹ Nghiệp, nghệ thuật Gốm Bàu Trúc…
Tiếp đó, các đại biểu sẽ tham gia trồng cây lưu niệm, góp phần tạo cảnh quan màu xanh cho buôn làng, đồng thời hưởng ứng Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ và Lễ hội mùa Xuân của đồng bào dân tộc Thái.
Đến với Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, đồng bào dân tộc Thổ đến từ Thanh Hóa sẽ giới thiệu trích đoạn “Chậm đò ho” với các phần giao lưu, dân ca, dân vũ vui Tết,đón Xuân; góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc Thổ. Dân tộc Thổ là một trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống lâu đời trên vùng đất Thanh Hóa, chủ yếu ở các huyện miền núi Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành....
Đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNECSO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật của thể nhân loại với các điệu cổ như Xòe nâng khăn mời rượu; Xòe bổ bốn; Xòe tiến lùi; Xòe tung khăn; Xòe vỗ tay múa vòng tròn; Xòe vòng; Xòe trong các nghi lễ; Xòe sóc ốc; Xòe bá vai…
Nghệ thuật Xòe đã góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian của Việt Nam. Từ lâu, nghệ thuật Xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca; trở thành phong tục, là biểu tượng của tình đoàn kết, kết tinh kinh nghiệm sống, lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái mang tính dân tộc sâu sắc, khẳng định được bản sắc riêng.
Chương trình giao lưu “Xuân về trên đền tháp” sẽ giới thiệu đến công chúng các điệu múa trên đền tháp của cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận. Cùng với đó là phần giới thiệu nghệ thuật Di sản Gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận; nghề dệt Mỹ Nghiệp qua đôi bàn tay khéo léo tài hoa của phụ nữ dân tộc Chăm…
Nguồn TTXVN