Náo nức Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu tại Nghệ An
Ngày đăng: 15/02/2023Sau 2 năm ngắt quãng do Covid-19, dịp này đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại náo nức bước vào Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu. Đây là dịp tưởng nhớ công ơn các vị thần đã phù hộ, che chở cuộc sống bình yên của bản làng và quảng bá vẻ đẹp đất và người vùng biên cương.
Tưởng nhớ công ơn
Đền Pu Nhạ Thầu là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng thuộc bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm. Ngôi đền gắn liền với những truyền thuyết và sự tích được lưu truyền trong dân gian, là nơi thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, Mẫu Thượng Ngàn và các vị thần có công hộ quốc bảo dân...
Tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu, các trại được dựng theo cách mô phỏng kiến trúc, bài trí nhà ở của mỗi cộng đồng dân tộc ở Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Thọ
Tương truyền, công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh và Mỵ Nương, cháu ngoại Vua Hùng ngày xưa từng đến vùng đất biên cương này thưởng ngoạn phong cảnh núi sông. Đi đến đâu nàng đều ra sức bảo ban, giúp đỡ dân lành phương cách làm ăn, sắp xếp lại bản làng để bà con an cư lạc nghiệp. Nhân dân vô cùng ngưỡng mộ, đã suy tôn nàng là Mẫu Thượng Ngàn (Mẹ của núi rừng) và lập đền thờ khi nàng không còn nữa. Đền Mẫu Thượng Ngàn rất thiêng, luôn phù hộ dân bản tránh khỏi thiên tai, thú dữ.
Khoảng năm 1355, giặc Ai Lao tràn sang quấy nhiễu vùng ấp Nam Nhung (gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ngày nay), khiến cuộc sống nhân dân khốn đốn. Tuổi đã cao nhưng Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn quyết định thân chinh cất quân đến vùng biên ải này dẹp giặc Ai Lao và cử Đoàn Nhữ Hài làm Đốc tướng. Khi vào tới đất Nam Nhung, vị Đốc tướng nhà Trần đã chọn một ngọn núi cao trong vùng thuộc bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm để dựng doanh trại luyện tập binh sỹ và quan sát hoạt động của giặc. Nhân dân hết lòng ủng hộ quân sĩ nhà Trần giết giặc giữ yên bờ cõi. Trong đó có một người phụ nữ tuổi đã cao nhưng vẫn động viên chồng con tham gia trận mạc. Bản thân bà trực tiếp làm giao liên để tiếp tế quân lương.
Lễ rước tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu. Ảnh: Công Kiên
Trong một trận đánh ác liệt ở ngã ba sông, Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài đã hy sinh. Thượng hoàng Trần Minh Tông và các tướng lĩnh nhà Trần lui quân củng cố lực lượng, sau đó tiến công quét sạch giặc Ai Lao ra khỏi bờ cõi. Trước sự hy sinh của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, nhân dân vùng ấp Nam Nhung vô cùng tiếc thương và thờ Ngài tại đền Mẫu Thượng Ngàn và hàng năm tổ chức tế lễ. Lúc này, người mẹ già nuôi quân cũng không còn nữa, nhận thấy công lao to lớn của Đốc tướng nhà Trần và người mẹ già nuôi quân, nhân dân bản Na Lượng đã rước linh vị về thờ ở đền. Từ đó người dân các bản làng quanh năm hương khói, ngôi đền trên núi trở thành chốn để gửi gắm tâm linh, người dân quen gọi là đền Trần hoặc đền Pu Nhạ Thầu (đền thờ Núi Bà Già).
Ngày hội trên đỉnh núi
Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố thăng trầm, người dân huyện Kỳ Sơn luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ ngôi đền thiêng trên đỉnh Pu Nhạ Thầu. Trong những năm chống Mỹ, đền 2 lần bị trúng bom và đổ sập, lập tức dân bản lại dựng lại đền. Đặc biệt, bà con bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm gìn giữ ngôi đền như chính ngôi nhà của mình, hàng ngày tự giác trông coi ngôi đền và làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong và xung quanh đền.
Vào những ngày rằm và ngày đầu tháng Âm lịch, đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn sắm sửa lễ vật và lên dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính đối với các vị thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, chở che cuộc sống dân lành và nguyện cầu bình an, phúc lộc.
Người dân vui nhảy sạp tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu. Ảnh: Đào Thọ
Những ngày lễ hội, đỉnh Pu Nhạ Thầu trở nên nhộn nhịp, đông đúc người dân và du khách thập phương về chiêm bái và trẩy hội. Tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng khèn, tiếng sáo vang ngân, tiếng hát, tiếng cười vui tươi, náo nức. Người dân nơi đây ai cũng chọn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc trong ngày lễ hội, góp phần điểm tô cho vẻ đẹp của bản làng, quê hương. Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu thực sự là ngày hội của cộng đồng các dân tộc ở Kỳ Sơn, bởi núi rừng, bản làng đang tràn ngập sắc Xuân, lòng người đang dạt dào niềm vui và hy vọng, cùng nắm tay nhau xây đắp tình đoàn kết, yêu thương.
Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu năm 2023 diễn ra từ 13 – 15/2 (tức 23 – 25 tháng Giêng Âm lịch) với quy mô cấp huyện, các hoạt động sôi nổi, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa. Phần lễ sẽ diễn ra trang nghiêm với lễ yết cáo, lễ rước và đại tế. Đoàn rước xuất phát từ trung tâm bản Na Lượng, xuôi theo quốc lộ 7A, rồi men theo con đường lên đỉnh núi lên địa điểm đền Pu Nhạ Thầu tọa lạc. Linh vị các vị thần được rước vào đền, mọi người thành kính hướng về thượng điện, nơi bắt đầu diễn ra lễ đại tế. Sau khi dâng lễ vật, vị mo chủ kính mời các vị thần linh, tổ tiên dòng họ về dự lễ hội và thụ hưởng, phù hộ cho các bản làng no ấm, phát đạt, lúa đầy đồng, cá đầy sông, rừng tươi tốt, dân bản yên vui và đoàn kết một lòng...
Một số hoạt động thể thao, trò chơi dân gian tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu. Ảnh: Đào Thọ
Bên cạnh phần nghi lễ là phần hội với chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, uống rượu cần, múa lăm vông và các trò chơi dân gian hấp dẫn (kéo co, bắn nỏ, ném còn, tò mạc lẹ, đẩy gậy). Những năm trước, nhiều du khách thực sự ấn tượng với hội trại độc đáo của lễ hội đền Pu Nhạ Thầu. Các trại được dựng theo cách mô phỏng kiến trúc và cách bài trí nhà ở của các cộng đồng dân tộc ở Kỳ Sơn (Thái, Mông, Khơ mú và Kinh). Bước vào mỗi trại, du khách sẽ cảm nhận được phần nào đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, có thêm một sự trải nghiệm cuộc sống vùng cao. Đặc biệt, đến với lễ hội, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những sản vật của núi rừng từ những bàn tay khéo léo của phụ nữ Na Lượng chế biến. Đó là những món đặc sản như xôi ngũ sắc, cơm lam, gà đen, thịt lợn đen, khoai sọ, rượu nếp cẩm…
Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu được tổ chức trở lại sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19 là niềm vui sướng, phấn khởi của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn. Đây là dịp để bà con nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo động lực cho công việc của năm mới và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục đạo lý và tinh thần đoàn kết dân tộc và quảng bá tiềm năng du lịch của quê hương”.
Theo baonghean.vn