MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Nâng cao vai trò của chức sắc tôn giáo trong bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo
Ngày đăng: 13/02/2023Sáng 11/2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Việt Nam phối hợp cùng chùa Minh Đạo - TP HCM tổ chức khai giảng khóa bồi dưỡng kiến thức bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Phật giáo cho Tăng Ni, chức sắc, chức việc và trụ trì các cơ sở tôn giáo Phật giáo trên địa bàn TP HCM.
Sự kiện nhằm xây dựng ý thức thống nhất trong công tác quản lý, phương thức bảo vệ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Tham dự có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Quang cảnh khóa bồi dưỡng kiến thức cho các chức sắc tôn giáo về bảo tồn giá trị di sản văn hóa Phật giáo. (Ảnh: X.Khu)
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam cho biết, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống đang được đặc biệt quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thứ hai từ phải qua) tại lễ khai mạc khóa tập huấn
Vì vậy, việc bồi dưỡng, tập huấn cho cộng đồng, nhất là sự tham gia của các Tăng Ni, giáo phẩm, trụ trì các cơ sở tôn giáo về công tác này là một việc làm cần thiết và ý nghĩa. Qua đợt tập huấn cũng góp phần trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của các chức sắc Phật giáo, trụ trì các cơ sở tôn giáo, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo tồn, phát huy và lưu truyền các giá trị di sản văn hóa Phật giáo.
Theo Thượng tọa Thích Quảng Minh, Chánh Văn phòng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm qua luôn coi công tác bảo tồn văn hóa Phật giáo có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để bàn về phương hướng, giải pháp, đề án bảo tồn văn hóa Phật giáo trong cuộc sống hiện đại.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, thực trạng các di sản văn hóa, lịch sử hiện cần sự chung tay rất lớn của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nhất là, rất cần ý thức của toàn xã hội và từng cá nhân trong công tác bảo vệ di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước ảnh hưởng của thời gian và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cuộc sống đương đại.
Tại khóa tập huấn, các đại biểu, học viên, Tăng Ni, chức sắc các cơ sở tôn giáo, trụ trì các tự viện, cơ sở Phật giáo cũng sẽ được các chuyên gia UNESCO, cán bộ Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam giới thiệu các nội dung về giáo dục hiểu biết quốc tế, hợp tác và hòa bình theo tinh thần UNESCO; hiện trạng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa Phật giáo, những thách thức và giải pháp trong thời gian tới.
Nguồn: daidoanket.vn