Một số hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường tại Sóc Trăng
Ngày đăng: 07/06/2022Ngày 5-6, tại TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã diễn ra lễ phát động Chương trình “Cùng tiến bước vì tương lai”. Đây là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022 với chủ đề “Chỉ một Trái đất”, do UBND TX. Vĩnh Châu phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức.
Diễn ra từ ngày 5-6 đến ngày 31-10-2022, Chương trình “Cùng tiến bước vì tương lai” khuyến khích người tham gia sẽ đi bộ hoặc đạp xe hàng ngày thay vì đi xe máy hoặc phương tiện có sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Qua đó, người tham gia sẽ đóng góp bằng hành động cụ thể vào việc làm giảm phát thải khí CO2 ra môi trường; đồng thời, nâng cao hiểu biết về các giải pháp công bằng khí hậu cho người dân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các nước nghèo, đang phát triển nói chung.
Các đại biểu tham gia trồng rừng Dự án B4 tại xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: QUANG BÌNH
Sau hoạt động đạp xe hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, các đại biểu đã tham gia trồng rừng Dự án B4 tại xã Vĩnh Hải. Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho biết, chương trình được tổ chức tại TX. Vĩnh Châu nhằm hướng tới phát triển rừng ngập mặn, giảm tải lượng phát thải khí cacbon trong thiên nhiên và hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có bảo vệ môi trường thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu Trần Trí Vân cho biết, thông qua các hoạt động đạp xe hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và tham gia trồng rừng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội. Qua đây, cũng tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, ý chí và quyết tâm của tất cả mọi người cùng với sự hỗ trợ của các sở, ban ngành tỉnh và đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, TX. Vĩnh Châu sẽ đạt được nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như thực hiện thành công các cam kết quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu Trần Trí Vân cũng mong rằng, mọi người sẽ có những đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai “Ngôi nhà chung - Trái đất”, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người.
Bảo vệ môi trường phải triển khai từ khu dân cư
Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn triển khai xây dựng mô hình “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Từ những mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào các tôn giáo và cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống.
Ông Lâm Dũng Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh với các tổ chức tôn giáo về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường cùng các tổ chức tôn giáo, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện xây dựng các mô hình điểm để bảo vệ môi trường ở mỗi khu dân cư.
Khuôn viên Chùa Sôm Rông, Phường 5, thành phố Sóc Trăng luôn được trồng nhiều cây xanh để tạo bóng mát và vẻ mỹ quan
Tại chùa Sôm Rông, Phường 5, thành phố Sóc Trăng, Ban quản trị chùa đã xác định rõ công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đã trở thành một thông điệp sống hàng ngày. Từ các hành động, việc làm thiết thực cùng chung tay bảo vệ môi trường, đồng bào các tôn giáo đã nhân rộng nhiều mô hình điểm về “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”, tạo sự lan tỏa trong phong trào toàn dân bảo vệ môi trường.
Thượng tọa Lý Đức, Trụ trì chùa Sôm Rông chia sẻ: Ban Quản trị chùa thường xuyên tuyên truyền trong sư sãi, Ban quản trị và phật tử; đồng thời cùng với Ban Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tuyên truyền đến các vị Trụ trì và Ban quản trị về hưởng ứng cùng chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều việc làm thiết thực tại chùa, nhà, khu dân cư như: ra quân làm vệ sinh, thu gom rác thải, túi ni lông trong khuôn viên chùa, trên các trục đường, ngõ xóm, xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt, trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên chùa kết hợp với thắp sáng, giữ gìn đường làng, ngõ xóm thông thoáng, sáng - xanh - sạch - đẹp.
Thượng tọa Lý Đức cho biết thêm: Chùa đã thành lập đội vệ sinh, từ cổng chùa vào, trong khuôn viên chùa luôn luôn được đội vệ sinh chia nhau quét dọn vệ sinh, bố trí thùng rác, nhà vệ sinh sạch để phục vụ cho các ngày lễ, tết dân tộc, tôn giáo; cho Phật tử, du khách gần xa đến tham quan, chiếm ngưỡng cảnh quan tại chùa ngày càng đông hơn.
Còn tại ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, đơn vị được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm điểm tổ chức triển khai xây dựng mô hình điểm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2020; Tại đây, khu dân cư xây dựng mô hình điểm, người dân đã có sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức, hành vi trong sinh hoạt và tổ chức cuộc sống, như bước đầu hình thành thói quen phân loại rác thải theo hướng dẫn của tổ tự quản, ý thức trong việc xử lý rác, hạn chế hiện tượng vức rác ra ao, hồ, song, rạch...
Bà Sơn Thị Hồng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Bưng Tróp A cho biết: Trên cơ sở thành công của mô hình điểm của ấp Bưng Tróp A, Ban thường trực MTTQ Việt Nam xã đã triển khai nhân rộng mô hình đến ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, trong đó đầu mối tổ chức triển khai là Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, lực lượng cốt cán là đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền, vật chất để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.
Bà Hồng chia sẻ thêm: Bản thân tôi đã cùng với tập thể Ban Công tác Mặt trận ấp tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư; hình thành nếp sống, thói quen và ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường trong nhân dân. Tại khu dân cư ấp Bưng Tróp A phát động 100% hộ dân đều ký cam kết “Tham gia bảo vệ môi trường” và bổ sung nội dung này vào tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận “Khu dân cư văn hóa” , “Gia đình văn hóa” hàng năm.
Cảnh quan tại chùa Bưng Tróp A, xã An Hiệp
Ban Công tác Mặt trận ấp còn phối hợp với Ban quản trị chùa vận động trồng 300 cây xanh (cây Hoàng Yến, cây Sao, cây Dầu và cây Kèn Hồng), vận động đặt 70 ghế đá trong khuôn viên chùa để tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp. Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận ấp còn vận động mạnh thường quân trong và ngoài địa phương lót gạch khuôn viên chùa với diện tích là 5000m2 với tổng số tiền là 1,275 tỷ đồng. Ngoài ra còn phối hợp với Hội Phụ nữ thành lập 01 Câu lạc bộ “Biến rác thành tiền” với 15 thành viên; vận động xây 163 hố đốt rác, hướng dẫn nhân dân phân loại và xử lý rác. Bà Hồng chia sẻ thêm.
Qua triển khai thực hiện mô hình điểm “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Đến nay, người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh. Các chất thải sinh hoạt trong mỗi gia đình đều được thu gom đến đúng nơi quy định, đường làng ngõ xóm được người dân giữ gìn sạch sẽ. Ở các cơ sở thờ tự, các chức sắc tôn giáo cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân, khách thập phương không đốt hương, vàng mã.
“Thời gian tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường và các ngành có liên quan tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường ở cộng đồng dân cư để từ đó góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ông Lâm Dũng Liêm thông tin.
Khi người dân đã nhận thức đầy đủ hơn về tác hại của ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước thải, rác thải ảnh hưởng đến sức khỏe con người; hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu; để từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của mỗi người dân, giúp cho mọi người thấy được lợi ích của việc xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” đem lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa ngày càng phát triển.
PV tổng hợp