Lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Ân sư Tiền Vãng
Ngày đăng: 09/11/2021Sáng ngày 06 tháng 11 năm 2021, tại Phường An hội, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân Phường An hội đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Ân sư Tiền Vãng.
Đến tham dự buổi lễ, có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy bà Hồ Thị Hoàng Yến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh bà Nguyễn Thị Bé Mười; lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể của thành phố Bến Tre, phường An Hội và đông đảo cán bộ nhân dân trên địa bàn Phường.
Đền thờ Ân sư tiền vãng được xây dựng vào năm 1956 do ông Nguyễn Văn Trinh – Hiệu trưởng đầu tiên của trường Trung học công lập Kiến Hòa, ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh đã vận động, quyên góp tiền xây dựng Đền thờ Ân sư tiền vãng để tri ân quý thầy cô giáo đã có công trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh lúc bấy giờ. Bao quanh Đền thờ là phần cổng rào được xây bằng bê tông cốt thép vững chắc, ngăn cách khuôn viên bên trong với các công trình xung quanh. Cổng Đền thờ được xây biến thể theo kiến trúc cổng tam quan tứ trụ. Hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên, phía trên bốn thân trụ được nối liền bởi các thanh xà ngang bằng chất liệu bê tông cốt thép. Trên hai thân trụ chính được đắp nổi câu liễn chữ quốc ngữ: Bên trái “Ân sư giáo đáo tơ tằm vương”, bên phải “Nghĩa đệ huynh tử dáng miếu cao”. Bên ngoài là hoa văn chữ “Vạn” được đắp nổi sơn vàng, phía trên đề thời gian Đền thờ được trùng tu 1969 (tức năm Kỷ Dậu)
Đền thờ được xây cao 6,2 m với lối đi lên có 13 bậc tam cấp tuân theo quy luật luân hồi “sinh – lão – bệnh – tử” trong phong thủy nhà ở. Đền thờ được lát gạch ceramic trắng, bốn góc đền thờ bố trí mỗi góc ba cột trụ bằng bê tông cốt thép cao 3,72m. Các cột trụ được xây theo kiểu mô thức “cột đồng trụ đá” tại các đền chùa truyền thống, tượng trưng cho ngọn đèn luôn cháy rực giữa trời đất.
Phía trên mỗi đầu cột Đền thờ và bốn cột trụ ở cổng được trang trí họa tiết “ngọn thiên đăng”. Thiên đăng là biểu tượng cho ngọn lửa lớn cháy rực rỡ, thể hiện cho sự trường tồn của ngôi đền qua thời gian. Ngọn lửa thiên đăng được đúc khuôn cách điệu bốn con rồng quay về bốn hướng bao quát cả thế gian, bên dưới là bát phượng. Tiếp theo là ô chùa, các ô chùa ở phần đầu cột Đền thờ Ân sư không để trống bốn mặt như các họa tiết đầu cột thường thấy ở các đền thờ khác. Các họa tiết ngọn lửa thiên đăng này do thầy Lê Công Lợi và thân phụ đích thân đổ thủ công, hiện nay họa tiết ngọn lửa tại thân cột mặt tiền Đền thờ đã bị mất và cần được phục chế lại. Gian thờ chính được xây tứ trụ theo lối kiến trúc tôn giáo truyền thống với diện tích 204,4 m2. Mái gian thờ lợp ngói, có đường bờ nóc, bờ chảy bằng vữa xi măng, bốn đầu đao trang trí rồng hóa sóng nước tạo sự mềm mại cho mái gian thờ. Mái gian thờ được chống đỡ bởi mười hai trụ đá tròn.
Bên trong gian thờ rộng 75m2, bố trí trung tâm là một bài vị gỗ lớn ghi danh sách tên các ân sư đã có tâm huyết với ngành giáo dục tỉnh Bến Tre, khi qua đời được khắc tên vào các mảnh bằng đồng với số lượng hơn 350 vị, trong đó Cụ Nguyễn Đình Chiểu được đặt ngay giữa và lớn nhất. Phía trước là một tủ thờ cao dùng để đặt các vật dụng thờ tự như lư đồng, bát nhang, chân đèn, mỏ gỗ… Bên trái gian thờ là Danh sách cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đã từ trần và di ảnh thầy Nguyễn Văn Trinh (1901-1975), Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học công lập Kiến Hòa, Bến Tre từ năm 1956 và cũng là người lập ra Đền thờ Ân sư tiền vãng. Bên phải gian thờ là bảng danh sách Liệt sĩ ngành giáo dục và đào tạo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đền thờ Ân sư tiền vãng một công trình đại diện cho phẩm chất cao đẹp của người Bến Tre nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung – đó là lòng “tôn sư trọng đạo”. Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Ân sư tiền vãng cùng với các di tích khác trên địa bàn thành phố Bến Tre như Đình An Hội, nơi ở và làm việc của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Phường 6 sẽ tạo thành quần thể di tích, thích hợp để thiết kế các tuyến cho du khách tham quan với mục đích học tập và nghiên cứu về lịch sử của tỉnh Bến Tre.
Với những giá trị lịch sử, ngày 18/6/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định số 1407/QĐ-UBND công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Ân sư tiền vãng, Phường An hội, thành phố Bến Tre./.
Đoàn Việt