Lan tỏa các mô hình tôn giáo bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 20/05/2021
Triển khai mô hình xã điểm “Xây dựng mô hình vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài Ban Chỉnh đạo Mỹ Thạnh và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường” tại tỉnh Bến Tre
Trong thời gian qua, các cơ sở tôn giáo trên nhiều tỉnh, thành đã tích cực tuyên truyền, hành động để bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Những mô hình thiết thực này cần được lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức của người dân, chung tay xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại các địa phương.

Nhiều mô hình thiết thực

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai nhiều mô hình BVMT và ứng phó với BĐKH ý nghĩa, thiết thực và thông qua đó nâng cao ý thức của người dân, kêu gọi người dân tham gia dọn dẹp, giữ gìn xóm, phường sạch sẽ.

Có thể kể tới mô hình xã điểm “Xây dựng mô hình vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài, Ban chỉnh đạo Mỹ Thạnh và nhân dân tham gia BVMT” tại huyện Ba Tri (Bến Tre). Kết quả đạt được là: 100% hộ gia đình tham gia dọn dẹp cảnh quan môi trường trong khu dân cư sạch đẹp, trên 90% hộ gia đình có hàng rào khuôn viên được chăm sóc cắt tỉa, trên 95% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh,…

Còn huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã chọn xã Vĩnh Thành làm mô hình điểm cung cấp hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác BVMT cho 100% số hộ trên địa bàn. Trong đó, xã Vĩnh Thành đã chọn ấp Bình Tây có trên 90% đồng bào theo đạo Công giáo làm điểm tổ chức tuyên truyền, vận động đăng ký thực hiện.

Cộng đồng tôn giáo đã phối hợp các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn trên địa bàn thực hiện nhiều hành động vì môi trường, đạt được kết quả đáng kể. Cụ thể, đã nạo vét được 3.500m kênh mương, lấp cống rạch để trữ nước ngọt; dọn dẹp vệ sinh 3 tuyến đường dài gần 3.000m; xây dựng 5 hầm chứa rác thải độc hại để xử lý, chủ yếu là vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật; đắp 8 tuyến đê chiều dài 5.100m và xây 93 cống, mua 204 bồn chứa nước ngọt để phòng chống hạn mặn…

Năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” và đã được các tổ chức tôn giáo hưởng ứng nhiệt liệt với 25 mô hình được triển khai trong các cơ sở tôn giáo tại địa phương.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hòa tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp

Hưởng ứng hội thi, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có mô hình “Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, phân loại rác thải gắn với giảm nghèo bền vững” và đạt giải nhất của hội thi. Đây là kết quả xứng đáng vì mô hình này đã góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương.

Thực hiện mô hình, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hòa đã hỗ trợ sọt rác cho 75 hộ trên địa bàn ấp 3B, mỗi hộ 2 sọt dùng để phân loại rác hữu cơ và vô cơ, tránh tình trạng vứt rác thải sinh hoạt ra môi trường. Vào ngày tín đồ tập trung sinh hoạt đạo sự hàng tháng, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã phối hợp với Mặt trận lồng ghép tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức và có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường như: phát quang bụi rậm, làm hàng rào cây xanh, xây dựng hố rác cho gia đình…

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, với mô hình “Nhân dân và phật tử chùa Hải Giác nói không với túi ni-lông và trồng cây chống xâm nhập mặn BVMT thôn Hải Triều”, thời gian qua, người dân thôn Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh và các phật tử chùa Hải Giác đã và đang trồng hơn 5.000 cây đước để phục hồi, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển. Các thành viên tham gia mô hình còn hỗ trợ người dân xây dựng sân vườn, đường quê, ngõ xóm sạch đẹp; thu gom rác thải sinh hoạt, vỏ chai nhựa; đồng thời vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt hàng ngày...

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, tổ chức tôn giáo, Hội đồng mục vụ (HĐMV) các giáo xứ, giáo họ, chùa, cơ sở thờ tự tập hợp, huy động nhân dân tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam tại các khu dân cư (KDC) vùng đồng bào tôn giáo.

Mô hình tôn giáo chung tay BVMT ngày càng mở rộng trong những năm gần đây. Tại tỉnh Quảng Bình, trong khoảng 5 năm qua, phần lớn đồng bào các tôn giáo đều tuân thủ “sống xanh, thân thiện với môi trường, cùng nhau có trách nhiệm với một môi trường bền vững”.

Hưởng ứng thông điệp “Cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại” của Giáo hoàng Francis, các linh mục, hội đồng mục vụ các xứ họ giáo của tỉnh Quảng Bình đã và đang tích cực phát động nhiều phong trào tới đồng bào các tôn giáo để nâng cao ý thức BVMT, ứng phó với BĐKH. Có thể kể tới, phong trào “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT, chống biến đổi khí hậu”, và phong trào “Thắp sáng đường quê” nhằm giữ gìn đường làng, ngõ xóm phong quang, sáng – xanh – sạch – đẹp. 

Nhân rộng các mô hình tôn giáo BVMT

Quyền Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh cho rằng, các mô hình của tôn giáo tham gia BVMT giúp gắn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Qua mô hình, ý thức chung về BVMT của tín đồ và nhân dân được nâng cao, có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp, cũng như có các giải pháp để phòng chống hạn mặn cho cây trồng, vật nuôi,… nhất là kinh nghiệm giúp thích ứng với diễn biến thời tiết bất thường do BĐKH đã và đang diễn ra rất phức tạp như hiện nay.

Theo Hiến pháp Lữ Minh Châu, Ủy viên Ban Thường trực, Thường trực cơ quan Hiệp Thiên Đài, Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, trên toàn tỉnh Bến Tre có 60 thánh thất với khoảng hơn 800.000 tín đồ.  Trong thời gian tới, Hội thánh sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động BVMT như: trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự; phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; đặc biệt là vận động các tín đồ và người thân thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Qua xây dựng, triển khai mô hình tôn giáo BVMT tại các tỉnh, thành, có thể thấy sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bà con giáo dân tự nâng cao ý thức về BVMT, ứng phó với BĐKH, thay đổi thói quen xả rác và tự chuẩn bị các dụng cụ để tập kết rác, phân loại rác thải hàng ngày. Ngày càng có nhiều người dân tại các thôn, xóm, làng, xã tham gia ký cam kết BVMT, quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác thải để môi trường sống trong lành, sạch đẹp hơn. 

 

PV t/h