Lan tỏa bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm và Raglai
Ngày đăng: 07/06/2022
Khách tham quan không gian triển lãm về nét đặc trưng văn hóa Chăm.
Nằm trong chuỗi các hoạt động Nha Trang - Chào hè 2022, triển lãm chuyên đề 'Đặc trưng văn hóa của dân tộc Chăm và Raglai', do Bảo tàng tỉnh thực hiện đã góp phần giới thiệu đến người dân, du khách những cổ vật, hiện vật đặc sắc vẫn còn được lưu giữ.

Nhiều hiện vật đặc trưng

Từ ngày 3-6 đến 30-8, tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang), người dân và du khách có thể tự do vào tham quan triển lãm “Đặc trưng văn hóa của dân tộc Chăm và Raglai”. Trong không gian phòng triển lãm, gần 200 hiện vật, cổ vật được sắp xếp, trưng bày, giới thiệu để khách tham quan có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu thông tin thuận lợi nhất. Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh cũng bố trí nhân viên để phục vụ những du khách có nhu cầu thuyết minh, giới thiệu nhiều hơn về các hiện vật.

Đến với không gian triển lãm về văn hóa Chăm, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những cổ vật tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Có thể kể tên những cổ vật giá trị có niên đại từ thế kỷ XI như: Tượng nữ thần Đê Vi, tượng Apsara không đầu, tượng sư tử bằng đá, tượng khỉ Hanoman…; bệ đá hình sen có niên đại thế kỷ XII, tượng thần Vishnu có niên đại khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XV… mang đến những cảm nhận riêng về văn hóa Chăm trong mỗi người. Để giúp khách tham quan hiểu hơn về những đặc trưng văn hóa Chăm, triển lãm còn có khu vực giới thiệu mô hình Tháp Bà Ponagar với những hiện vật phục chế gồm: Tượng nữ thần Po Inư Nagar, tượng voi gỗ, linga - yoni. Những hiện vật về trang phục truyền thống, trống ghi năng, chuông đồng, hình ảnh về các lễ hội… đã phần nào thông tin đến người xem về một phần đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm.

Bước sang khu vực triển lãm hiện vật về đồng bào Raglai, người xem bắt gặp hình ảnh về lễ bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mô hình ngôi nhà mồ với những đồ vật trang trí được chạm khắc, tô màu sặc sỡ. Một số loại nhạc cụ, công cụ lao động, sinh hoạt đặc trưng của người Raglai như đàn đá, mã la, đàn chapi, kèn bầu, các loại trang sức, trang phục, cày - bừa, gùi, nỏ, ché rượu cần, ống đựng hạt giống, dao - rìu - chà gạc… cũng được giới thiệu tại đây. Qua đó, góp phần giới thiệu một cách chân thực về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động lao động, sản xuất và sinh hoạt của người Raglai. Một điểm đáng chú ý ở khu vực giới thiệu văn hóa Raglai, tất cả đều là hiện vật gốc, được Bảo tàng tỉnh sưu tầm trong nhiều năm qua. Khi nhìn ngắm những hiện vật còn in dấu tích sử dụng của người dân cũng mang đến những cảm nhận thú vị khác.

Góp phần lan tỏa giá trị

Trong lần đầu tiên đến tham quan triển lãm tại Bảo tàng tỉnh, bà Nguyễn Hoàng Bảo Linh (du khách đến từ TP. Nam Định) chia sẻ: “Những hiện vật được giới thiệu đã giúp tôi và các thành viên trong gia đình biết thêm nhiều điều về lịch sử, văn hóa dân tộc Chăm và Raglai. Trong đó, tôi thấy rất ấn tượng với những cổ vật có niên đại hàng trăm năm, cũng như các loại nhạc cụ, trang phục của đồng bào Chăm và Raglai”. Còn em Bảo Ngọc (học sinh Trường iSchool Nha Trang) cho biết, được đến tham quan bảo tàng và tìm hiểu về văn hóa dân tộc Chăm, Raglai, em cảm thấy thú vị và bổ ích. Qua đây, bản thân em và các bạn đã biết được giá trị văn hóa đặc sắc, lâu đời của các dân tộc, cũng như đời sống, sinh hoạt độc đáo của đồng bào.

Với triển lãm “Đặc trưng văn hóa của dân tộc Chăm và Raglai”, hi vọng Bảo tàng tỉnh sẽ là địa chỉ được nhiều người dân và du khách lựa chọn đến trong những ngày hè. Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, triển lãm lần này chỉ mới giới thiệu một phần rất nhỏ cổ vật, hiện vật của đơn vị. Tuy nhiên, những hiện vật được giới thiệu cũng thể hiện được nét đặc trưng văn hóa trong đời sống của đồng bào Chăm và Raglai. Qua đó, khách tham quan có thể hình dung được phần nào về hình thái cư trú, kinh tế, trang phục, phong tục tập quán, tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội… của đồng bào. Triển lãm góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm và Raglai đến đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế. Đồng thời, tuyên truyền đến thế hệ trẻ ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm và Raglai trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn: baokhanhhoa.vn