MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Hội thảo về văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam
Ngày đăng: 16/08/2023Thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023, ngày 14/8/2023, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam”.
Hiện tại, dân số các nước theo đạo Hồi đang chiếm gần 30% dân số thế giới và đây là một thị trường có tổng giá trị 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Tuy nhiên, đây là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn Halal (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép”). Vì vậy, để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường này thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được “tiêu chuẩn Halal”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông nhấn mạnh: “Hội thảo mong muốn làm rõ những ảnh hưởng, tác động hai chiều của văn hóa Islam đến mọi phương diện của đời sống xã hội của các quốc gia Islam giáo, cũng như nâng cao nhận thức và hiểu biết về ngành Halal; góp phần khai mở thị trường mới, nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Được biết, cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, hiện nay, có khoảng trên 80.000 tín đồ, tập trung ở 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal; khoảng 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.
Với nhiều lợi thế về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã cung cấp và thảo luận những thông tin làm rõ hơn bức tranh tổng thể về văn hóa Islam, bao gồm phong tục, tập quán, những điều kiêng kỵ trong cuộc sống của cộng đồng Hồi giáo trên thế giới và ở Việt Nam. Qua đó, cũng nâng cao nhận thức và hiểu biết về ngành Halal cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Hội thảo không chỉ góp phần phổ biến kiến thức về văn hóa Islam mà còn nâng cao nhận thức và hiểu biết về ngành Halal, góp phần mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị Halal toàn cầu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút du khách Hồi giáo và nguồn vốn đầu tư lớn từ các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
Minh Lan