MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Hội thảo khoa học về Thiền sư Pháp Loa tổ chức tại Quảng Ninh
Ngày đăng: 14/12/2020Ngày 11/12, tại Thị xã Đông Triều, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa – Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử”, nhân kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa viên tịch.
Tham dự Hội thảo có bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử của trung ương và địa phương.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có Hoà thượng (HT.) Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; HT. Thích Bảo Nghiêm, HT. Thích Gia Quang, HT. Thích Quảng Tùng, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận từ các chức sắc lãnh đạo GHPGVN, các nhà trí thức Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị khoa học trên cả nước. Các bài tham luận đã đi sâu vào từng nội dung thuộc chủ đề Hội thảo, cung cấp thêm những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức - đánh giá mới về sự nghiệp, di sản, vai trò, ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung đối với quá khứ, hiện tại và định hướng tương lai.
Nhiều bài tham luận không chỉ đề xuất quan điểm, giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà còn tư vấn, kiến nghị chính sách khai thác, phát huy nguồn lực lịch sử - văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - con người của địa phương.
Theo Ban Tổ chức, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo lập, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, có đóng góp to lớn không chỉ đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam./.
Chức sắc Phật giáo và đại biểu tham dự Hội thảo
PV