Hội thảo khoa học “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam”
Ngày đăng: 29/03/2023
Ngày 28/3/2023, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với khoa Lịch sử trường Đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

Dự Hội thảo có bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh; ông Phan Quốc Khánh, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh; Lãnh đạo Trường và Khoa Lịch sử - Trường Đại học Vinh; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Về phía Giáo hội có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, các tăng, ni trụ trì cùng đông đảo phật tử trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 02 tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo. Trong đó, Phật giáo là tôn giáo có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân và tín đồ với số lượng 67 nhà sư Trụ trì đã có quyết định bổ nhiệm chính thức (trong đó có 01 vị Hòa thượng, 06 vị Thượng tọa và 60 vị Đại đức tăng, ni) và hơn 22.100 phật tử. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh luôn nêu cao tinh thần hộ quốc, an dân, sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện nghiêm túc pháp luật của nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp nhiều nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Các hoạt động của Giáo hội Phật giáo tỉnh góp phần gìn giữ, lan toả những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc nói chung và của Phật giáo nói riêng trong xã hội, thể hiện tinh thần gắn bó, đồng hành với dân tộc.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định, tôn giáo là một thành tố văn hóa, đồng bào tôn giáo là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và những thành tựu của tỉnh luôn có sự đóng góp lớn của đồng bào các tôn giáo. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo trên địa bàn, nhiều chính sách hỗ trợ vùng có đông đồng bào tôn giáo sinh sống; tổ chức hội nghị đối thoại với các tổ chức tôn giáo để lắng nghe, kịp thời giải quyết đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào theo tôn giáo; quan tâm cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở thờ tự được khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh cơ bản giải quyết tốt những vấn đề vướng mắc liên quan đến tôn giáo, tạo được sự đồng thuận, thống nhất giữa tổ chức tôn giáo với các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo đúng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, học giả về Phật giáo, cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo đã tham luận nhiều nội dung về các chủ đề: Vai trò của Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, du lịch tâm linh con đường hoằng pháp….. Trong đó, đã nêu nhiều vấn đề về vị trí, vai trò của Phật giáo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần vào khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mặc dù gắn bó lâu dài trên mảnh đất Hà Tĩnh, song tới nay chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu đầy đủ về Phật giáo Hà Tĩnh và quá trình hình thành, phát triển cũng như những cống hiến, thành tựu của Phật giáo đối với tỉnh nhà. Việc Tổ chức Hội thảo Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hoá Phật giáo Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu quá trình lịch sử phát triển và ảnh hưởng của Phật giáo Hà Tĩnh đối với đời sống chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo, các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của Phật giáo cho sự phát triển của tỉnh, cũng như tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để Phật giáo cùng các tôn giáo khác hoạt động hiệu quả, góp phần chăm lo đời sống tôn giáo, tinh thần của tín đồ Phật giáo nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Ông mong muốn thời gian tới, các nhà khoa học, các vị chức sắc tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới Hà Tĩnh với các hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh, qua đó, cùng cấp uỷ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh củng cố thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển tỉnh Hà Tĩnh ngày càng nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

 

Lê Huyền