Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang - Tây Yên Tử”
Ngày đăng: 01/11/2023
Ngày 31/10-01/11/2023, tại thành phố Bắc Giang diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang - Tây Yên Tử”, do Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức với sự tham dự của gần 300 đại biểu là học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đến từ nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, chức sắc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo có 03 phiên thảo luận, với hơn 110 tham luận tập trung vào các nội dung: nhận diện và cách tiếp cận văn hóa Phật giáo và không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang; lịch sử văn hóa Phật giáo Bắc Giang, đặc sắc của thiền phái Trúc Lâm và dòng phái Lâm Tế (hai tông phái Phật giáo lớn ở Bắc Giang) trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam; giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Bắc Giang (văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm: giáo lý, tăng già, tự viện, kiến trúc, nghi lễ, tư liệu, kinh sách, tín đồ…) và những phát hiện mới về di sản văn hóa Phật giáo; vai trò, đóng góp của văn hóa Phật giáo đối với phát triển và giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội ở cấp độ địa phương, trong mối quan hệ liên vùng văn hóa (vùng Đông Bắc, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng) và quốc gia, quốc tế; nhận diện các thách thức, triển vọng và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Bắc Giang đối với biến đổi và đa dạng văn hóa bản địa, trong việc thực hiện phát triển bền vững, trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của địa phương.

Đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách, ấn phẩm về văn hóa Phật giáo

Bắc Giang là vùng đất thuộc miền thượng của xứ Kinh Bắc nghìn năm văn hiến, một trong những địa phương mang trong mình nhiều dấu tích, di sản và sự hiện diện sinh động nhất của Phật giáo truyền thống và đương đại Việt Nam. Bắc Giang - Tây Yên Tử là một trong những vùng đất ghi dấu ấn sự phát triển và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chặng đường quan trọng trên con đường hoằng dương Phật pháp của vị Sơ tổ Phật giáo Trúc Lâm - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hiện nay, Phật giáo là một trong hai tôn giáo chính tại Bắc Giang, với 940 ngôi chùa, tự viện, trong đó, chùa Vĩnh Nghiêm - chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm - tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng và chùa Bổ Đà - chốn tổ của phái Lâm Tế - tọa lạc tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Tỉnh Bắc Giang xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm - Tây Yên Tử nói riêng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh. Những năm gần đây, tỉnh đã nỗ lực cao trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo: xuất bản nhiều cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu, tuyên truyền; tiến hành khai quật khảo cổ; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp; tổ chức các hội thảo khoa học. Đặc biệt, đề án phục dựng “Con đường hoằng dương Phật pháp của các tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” đang trong quá trình đầu tư, nghiên cứu, triển khai với các hoạt động cụ thể, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên Tây Yên Tử gắn với dấu tích chùa, tháp liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử để xây dựng thành sản phẩm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Nguyễn Linh