Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”
Ngày đăng: 23/10/2024
Ngày 22/10/2024, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia (trực tiếp và trực tuyến) của khoảng 600 đại biểu trong và ngoài nước, gồm các ban, bộ, ngành và một số địa phương Việt Nam; một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đã sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal; đại diện một số chức sắc Hồi giáo và một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam; cơ quan quản lý Halal một số nước…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.

Thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10 nghìn tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 03 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Năm 2023, người Hồi giáo đã chi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho việc tiêu thụ các sản phẩm Halal, bao gồm: thực phẩm và đồ uống, thuốc men và các sản phẩm hỗ trợ lối sống Halal khác. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực đa dạng từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm, cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển, dịch vụ...

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal và bước đầu đã đạt được những kết quả như xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia, ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo…. 

Hội nghị gồm 06 hoạt động chính thức và hơn 20 hoạt động song phương bên lề. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã được giới thiệu về Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT), Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam; chứng kiến lễ trao 05 văn kiện hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận GCC, Cơ quan Halal Hàn Quốc, Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu, Học viện Halal thuộc Công ty TNHH GAE (Malaysia) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về tiêu chuẩn và Halal.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hội nghị góp phần thúc đẩy kết nối kinh tế, văn hóa, con người giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal. Nhấn mạnh tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu, Thủ tướng khẳng định Việt Nam định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Thủ tướng đánh giá Việt Nam có ba cơ sở quan trọng để phát triển ngành Halal đó là tình hình chính trị, xã hội ổn định, tiềm lực và quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn mạnh; Việt Nam có quan hệ đối ngoại và liên kết kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo trên thế giới; Việt Nam có các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal.

Để Việt Nam phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện 05 thúc đẩy, bao gồm thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, thúc đẩy các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường, thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, tăng cường hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Anh Khôi