Hò thuốc cá huyện Minh Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 27/04/2021
Người dân Minh Hóa biểu diễn hò thuốc cá.
Ngày 25/4, tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình) diễn ra Hội rằm tháng ba năm 2021 trong Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Trong chương trình, huyện Minh Hóa đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa”.

Hò thuốc cá là làn điệu dân ca đặc trưng riêng của người dân Minh Hóa. Theo ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa, hò thuốc cá có liên quan mật thiết đến lao động, sản xuất, mang đậm nét riêng của người Minh Hóa. Cuộc sống của người Minh Hóa xưa chủ yếu dựa vào săn bắt, làm nương rẫy, đánh ong lấy mật và thịnh hành nhất là nghề thuốc cá. Người dân Minh Hóa đi thuốc cá là đi tập thể chứ không đi riêng lẻ.

Vào mùa đông và mùa xuân, người dân Minh Hóa kéo nhau đi từng đoàn lên rừng bới rễ cây tèng, sau đó, họ mang ra suối, khe, tìm chỗ nào có nhiều cá nhất, rồi chọn một chỗ cao ở đầu suối, khe, lấy đá xếp vòng tròn để tạo thành một cái cối. Xếp cối xong, họ lấy rễ cây tèng đã được ủ chín bỏ vào cối, rồi chặt những cây rừng thẳng, dài khoảng 1,5m, to vừa tay cầm, vát nhọn một đầu để làm chày giã thuốc. Họ giã cho nước rễ cây tèng chảy ra, hòa vào dòng nước, làm cho cá bị mờ mắt say thuốc, nổi lên mặt nước để họ có thể bắt cá dễ dàng.

Ngoài loại rễ cây tèng, người ta cũng dùng rễ cây hôi hôi và lá cây cơn cơn (mọc bên suối) để làm thuốc đánh cá. Có một điều đặc biệt là các loại cây có độc tố này chỉ làm cho riêng một số loài cá bị say, bị chết, nhưng lại vô hại đối với các loài thủy sản khác (như cá lóc, cá chạch, lươn, ốc…), kể cả con người khi ăn cá cũng không hề bị ảnh hưởng gì. Khi cá bị bắt hết, thì độc tố của rễ cây cũng không còn ảnh hưởng gì đến dòng nước nữa.

Để cho động tác giã thuốc thật nhịp nhàng, đều đặn và để tạo không khí vui tươi, quên đi mệt nhọc, người ta cất lên tiếng hò. Điệu hò thuốc cá ra đời trong hoàn cảnh đó và lưu truyền cho đến ngày nay. Đối qua, đáp lại, trải qua thời gian, nội dung của điệu hò thuốc cá ngày càng phong phú. 

Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Ngày nay, hò thuốc được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con, đặc biệt là vào dịp hội rằm tháng ba ở Minh Hóa; trong đó, phần hò và xố vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động, chỉ khác động tác giã cây tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui.

Hiện, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 10 người được công nhận là nghệ nhân dân gian. Nhiều năm qua, họ là những người thầm lặng bảo tồn và lan tỏa giá trị của hò thuốc cá. Tiêu biểu như các nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, Trần Khánh Nguyên, Đinh Thanh Đàn, Đinh Thị Hà, Cao Thị Hương, những người am hiểu hò thuốc cá từ lúc 15-16 tuổi và hàng chục năm qua, họ âm thầm giữ gìn, phát triển giá trị của điệu hò thuốc cá.

Nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, thành viên “gạo cội” của câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca huyện Minh Hóa chia sẻ: “Trong các làn điệu dân ca mà tôi từng hát, hò thuốc cá có lẽ là làn điệu tôi hát hay nhất và thành công nhất. CLB đàn và hát dân ca của huyện Minh Hóa đã nhiều lần mang điệu hò thuốc cá đi biểu diễn ở các sân khấu lớn tại các tỉnh, thành trong nước, được khán giả rất yêu thích và nhiều lần đạt giải cao nhất. Hôm nay, tôi thật sự vui mừng khi hò thuốc cá được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào và cơ hội để điệu hò của quê hương Minh Hóa được phát triển hơn nữa”.

Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá khẳng định: Việc hò thuốc cá được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của người dân Minh Hóa. Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian, đặc biệt là hò thuốc cá. UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện phối hợp đưa hò thuốc cá vào trường học, đồng thời, hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên các CLB văn nghệ dân gian trong cộng đồng…

Ghi nhận nét đặc sắc của làn điệu dân ca hò thuốc cá cũng như những nỗ lực gìn giữ, trao truyền để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đó, đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch đã có quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình”.

Lãnh đạo huyện nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hò thuốc cá huyện Minh Hóa.

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa” cho lãnh đạo huyện Minh Hóa. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng trao bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Căn cứ kháng chiến của Vua Hàm Nghi ở Minh Hóa”.

Chia vui với đồng bào huyện miền núi Minh Hóa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu nhấn mạnh, sự kiện nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá Minh Hóa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; căn cứ kháng chiến của Vua Hàm Nghi ở Minh Hóa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đã thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Minh Hóa trong cộng đồng nền văn hóa Việt Nam.

Vì thế, huyện Minh Hóa cần phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan, sớm triển khai xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá”, nhất là việc truyền dạy hò thuốc cá trong các trường học; quảng bá, giới thiệu nghệ thuật này đến đông đảo công chúng.

PV tổng hợp