Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 05/05/2021Quan điểm của Phật giáo về môi trường con người là trung tâm của vũ trụ, con người và muôn loài trong thế giới này tồn tại hay đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau, tất cả đều trong mối tương quan trùng trùng duyên khởi. Vì vậy tăng ni phật tử phải sống hài hòa với thiên nhiên, luôn luôn thực hiện việc bảo vệ môi trường trong quá trình tu tập. Nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là bảo vệ sự sống của muôn loài. Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Ninh Thuận luôn luôn đồng hành cùng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong việc nâng cao ý thức cho tăng ni, phật tử trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Hưởng ứng "Chương trình Phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, giai đoạn 2015 - 2020. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận đã chủ động xây dựng chương trình hành động để tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, áp phích, panô, khẩu hiệu về chủ đề môi trường, tổ chức nhiều buổi thuyết giảng kinh Phật lồng ghép chủ đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm tuyên truyền cho tăng ni, phật tử hiểu rõ và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, bài trừ những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời thường xuyên tổ chức các khóa tu định kỳ cho thanh thiếu niên con em các gia đình phật tử, nhằm giáo dục nếp sống lành mạnh, ý thức bảo vệ môi trường để mọi người biết yêu thương, san sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Triển khai đến toàn thể tăng ni, phật tử thực hiện việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những việc làm thiết thực như: sử dụng các loại túi bằng vật liệu thân thiện với môi trường, để rác thải đúng nơi quy định không xả bừa bãi ra môi trường, giữ gìn cảnh quan đường phố, xóm làng, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, trồng cây xanh, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tham gia quét dọn vệ sinh nơi cư trú và các khu dân cư. Tại các tự viện Phật giáo trụ trì phải xây dựng cơ sở Phật giáo xanh, sạch, đẹp và thường xuyên tuyên truyền cho phật tử hạn chế việc đốt hương, biết tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng sinh học và sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, không đốt vàng mã nơi thờ tự gây ảnh hưởng đến môi trường. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh luôn khuyến khích tăng ni phật tử các trong tỉnh sử dụng và tuyên truyền người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay đổi thói quen sử dụng túi nilông bằng túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần hoặc túi ni lông tự phân hủy, thay thế các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần như: ống hút, chai nước suối, hộp cơm, bát, đĩa, cốc, thìa… bằng việc sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ, hoặc bình thủy tinh khi hội họp, tiếp khách.
Ban Trị sự tổ chức thả cá giống tại khu vực Sông Dinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm
Thực hiện phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của GHPGVN đã đề ra, trong thời gian tới, GHPGVN tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền và hướng dẫn tăng ni, phật tử hiểu rõ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tăng ni, phật tử và trong cộng đồng dân cư; thường xuyên cập nhật, thực hiện những kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động của Phật giáo; xây dựng, giữ gìn các tự viện Phật giáo xanh, sạch, đẹp ./.
Buổi thuyết giảng kinh Phật lồng ghép chủ đề bảo vệ môi trường của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh
Nguyễn Tường