Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh covid-19
Ngày đăng: 21/02/2021Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đã phát hiện nhiều biến thể vi-rút có khả năng lây lan nhanh. Ở trong nước, trong những tháng đầu năm 2021, đã phát hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng, nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Việc bùng phát dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động tôn giáo, hoạt động của các cơ sở tự viện Phật giáo.
Trong năm 2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo các cơ sở tự viện Phật giáo hoãn tổ chức các lễ hội khai xuân, tuyên truyền đến tín đồ hạn chế việc tập trung đông người trong mùa dịch…, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, hợp tác chung sức phòng chống theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn cả nước tích cực tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, trang bị nước rửa tay, khẩu trang miễn phí trong khuôn viên các cơ sở tự viện Phật giáo.
Việc thực hiện văn hóa, văn minh tại các cơ sở thờ tự Phật giáo được thực hiện nghiêm, tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo; tăng cường công tác tuyên truyền về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống, các lễ hội tín ngưỡng truyền thống được tổ chức gọn trong khuôn viên cơ sở tự viện Phật giáo để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch, bệnh Covid-19. Giáo hội cũng phát động cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo”; hướng dẫn các cơ sở thờ tự Phật giáo không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi, vấn đề đốt vàng mã, cầu an… đã giảm rõ rệt so với cùng thời điểm năm 2019.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội đầu Xuân, nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo và nhân dân trong lễ Phật cầu an là rất lớn, các cơ sở tự viện Phật giáo thường thu hút đông đảo du khách thập phương. Để đảm bảo an toàn, không để bùng phát dịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Công văn số 416/BNV-TGCP ngày 29/01/2021 của Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) về thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tất cả các cơ sở Phật giáo trên địa bàn cả nước.
Tất cả người dân khi đến chùa chủ động và tự giác thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y Tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trên các địa bàn phức tạp đang diễn ra dịch bệnh, thực hiện nghiêm việc đóng cửa, tạm dừng các hoạt động lễ hội, tránh tập trung đông người, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các hoạt động Phật sự tại địa phương. Kêu gọi tín đồ Phật tử, nhân dân địa phương thực hiện khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khoẻ nếu đi qua vùng dịch. Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh Covid-19, kêu gọi người dân phát giác các trường hợp nhập cảnh trái phép để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Thực hiện các nghi thức, nghi lễ Phật giáo qua hình thức online trực tuyến, hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Điều chỉnh kế hoạch tổ chức Đại hội Phật giáo cấp huyện tại một số địa phương nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 được các chùa, đình, đền, phủ tại Hà Nội thực hiện nghiêm, yêu cầu người đến lễ tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo các quy định phòng dịch COVID-19. Khi có chỉ thị của lãnh đạo thành phố đưa ra sáng ngày 16-2 (mùng 5 Tết), các chùa, di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội đã đồng loạt treo biển thông báo đóng cửa, tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng đầu năm tập trung đông người. Theo đó, chùa Quán Sứ, trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm), một trong những địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo giữa lòng Thủ đô thu hút Phật tử và du khách thập phương đổ về để hành hương cầu nguyện nhân dịp đầu xuân năm mới, hôm nay chùa vắng lặng không một bóng người. Các hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người nơi đây cũng đã tạm dừng, cổng chùa khép lại. Trong khi đó, tại chùa Vạn Niên (đường Lạc Long Quân, Tây Hồ), rất đông người đến lễ và được Ban tổ chức yêu cầu thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang. Không tổ chức đón khách đến chùa Hương. Đại diện huyện Mỹ Đức cho biết, Ban Quản lý Lễ hội chùa Hương đã có văn bản dừng tổ chức khai hội và lễ hội chùa Hương. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, huyện quyết định sẽ không tổ chức đón khách đến chùa Hương nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các lễ hội lớn khác như khai hội chùa Bái Đính tại Ninh Bình (mùng 6 tháng giêng); lễ hội Tịch Điền (mùng 7 tháng giêng), lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương (14 tháng giêng), lễ hội khai xuân chùa Tam Chúc (12 tháng giêng) tại Hà Nam; lễ khai hội xuân Yên Tử (10 tháng giêng) tại Quảng Ninh; lễ hội cướp phết Hiền Quan, lễ hội đúc Bụt tại Phú Thọ; hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh… cũng hủy tổ chức hoặc không tổ chức khai hội, nghiêm túc chấp hành công tác phòng, chống dịch covid-19. Nhiều ngôi chùa lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa, hạn chế tập trung đông người, triển khai các biện pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, một số tự viện Phật giáo tại một số địa phương trong thời gian qua còn chủ quan, chưa chủ động thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số điểm dừng tổ chức lễ hội nhưng vẫn tổ chức đón khách quy mô lớn, không đảm bảo an toàn.
Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh còn có những diễn biến phức tạp, tháng Giêng là mùa trọng điểm tổ chức các lễ hội đầu năm, để duy trì và khẳng định vai trò đi đầu trong hoạt động “hộ quốc, an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Công văn số 4216/BNV-TGCP ngày 29/01/2021 của Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) về thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tất cả các cơ sở Phật giáo trên địa bàn cả nước.
Một số hình ảnh minh hoạ:
Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo Thái Bình phải tạm dừng tổ chức
Lễ hội mùa xuân do ảnh hưởng của dịch Covid-19
(Nguồn: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tam-dung-to-chuc-le-hoi-chua-keo-mua-xuan-2021)
Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) trong những ngày đầu năm
(Nguồn: http.truclamyentu.com.vn)
Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) trong những ngày đầu năm
(Nguồn: http.truclamyentu.com.vn)
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) tạm dừng hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19
(Nguồn: http://chuatamchuc.vn/)
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) tạm dừng hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19
(Nguồn: http://chuatamchuc.vn/)
Tu viện Vĩnh Nghiêm tạm thời đóng cửa, dừng đón khách kể từ ngày 09/2
(Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-dan-tphcm-di-chua-ngay-tet-the-nao-khi-tp-dung-nghi-le-ton-giao-tren-20-nguoi-1340445.html)
Tu viện Vĩnh Nghiêm tạm thời đóng cửa, dừng đón khách kể từ ngày 09/2
Việt Nam Quốc Tự thực hiện việc đóng cửa, tránh tụ tập đông người
Nguyễn Văn Nam