MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Giá trị giáo dục trong gia huấn ca nữ của người Khmer Nam Bộ
Ngày đăng: 25/02/2021Gia huấn ca nữ là di sản văn hóa độc đáo, có giá trị giáo dục sâu sắc, được dân gian đúc kết từ những lời dạy của nhà Phật dành cho người phụ nữ và trở thành chuẩn mực đạo đức trong đời sống cộng đồng của người Khmer Nam Bộ từ bao đời nay, thường được ghi chép nhiều trong sách lá buông, lưu giữ trong các ngôi chùa, là nguồn tư liệu giá trị để nghiên cứu về tộc người và văn hóa tộc người.
Thạc sĩ Danh Mến, Giảng viên Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, cho biết: Dưới hình thức văn vần, từng câu từ của gia huấn ca đưa ra những khuôn mẫu cho văn hóa ứng xử, thái độ, kỹ năng giao tiếp của người phụ nữ Khmer xưa và nay, gửi gắm thông điệp giáo dục, hướng các các thiếu nữ Khmer ở tuổi cặp kê trở thành những cô gái lý tưởng trước khi trở thành người vợ, người mẹ. Qua đó, khuyên dạy các cô gái Khmer phải biết ơn đấng sinh thành, giữ gìn gia phong và cẩn trọng trong việc chọn bạn đời; đồng thời, chăm chỉ học hành, trang bị cho mình một nghề nghiệp ổn định để có thể đỡ đần hôn phu sau khi thành hôn.
Về nội dung, gia huấn ca nữ chủ yếu chuyển tải những lời răn dạy của người xưa đến các cô gái Khmer, sao cho trở thành người phụ nữ tốt. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo, tác giả của các gia huấn ca nữ lưu ý các chuẩn mực trong hành xử hàng ngày của người phụ nữ, từ cách ứng xử với chồng, song thân hai họ, họ hàng cô bác gần xa…, đến việc quán xuyến công việc trong nhà ngoài cửa, sao cho trở thành người con gái tốt, người vợ đảm đang, người mẹ hiền trong gia đình và xã hội.
Gia huấn ca nữ thường thể hiện dưới hình thức văn vần, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc với những lời răn dạy về đạo lý làm người, phương thức đối nhân xử thế, chăm sóc gia đình, cách ăn mặc phù hợp… dành cho các cô gái trước khi về nhà chồng. Trong ảnh: Các thiếu nữ Khmer rạng rỡ trong trang phục truyền thống trong dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer. Ảnh: Yến Thanh - Phúc Thanh
Theo thời gian, Gia huấn ca nói chung và Gia huấn ca nữ của người Khmer Nam Bộ nói riêng đang dần bị mai một, hiện chỉ còn được giới thiệu và giảng dạy tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ ở tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, gia huấn ca nữ được giảng dạy ở các lớp cấp III, mỗi tuần có hai tiết, cùng các phân môn khác như: Ngữ văn, ngữ pháp, tập làm văn, biên dịch...
Gia huấn ca nữ của người Khmer Nam Bộ đang dần bị mai một, hiện chỉ còn được giới thiệu, giảng dạy cho các tăng sinh tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ (Sóc Trăng). Ảnh: Phúc Thanh
Theo quan niệm của người xưa gửi gắm qua gia huấn ca, việc hình thành thói quen tốt, có ý thức, trách nhiệm từ nhỏ sẽ giúp tương lai của người phụ nữ Khmer tốt đẹp hơn. Trong ảnh: Cô và trò Trường Phổ thông DTNT THCS An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Phúc Thanh
Nữ sinh Khmer đọc sách, báo trong thư viện Trường Phổ thông DTNT Kiên Giang. Ảnh: Yến Thanh
Để bảo tồn và phát huy những giá trị giáo dục của Gia huấn ca nói chung và gia huấn ca nữ nói riêng trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của đồng bào Khmer Nam Bộ, cần có sự chung tay, hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc sưu tầm, nghiên cứu, chú giải, chuyển ngữ...
Theo dantocmiennui.vn