Đồng bào Chăm tích cực giữ gìn an ninh trật tự
Ngày đăng: 05/05/2022
Đại tá Đinh Kim Lập- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận tặng Giấy khen cho chức sắc tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tại tỉnh Bình Thuận, đồng bào Chăm cư trú đông nhất ở huyện Bắc Bình với 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm là Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Thanh và 3 thôn xen ghép trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và xã Bình An. Đồng bào Chăm theo 2 tôn giáo chính là Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bà Ni.

Trước đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại các xã vùng đồng bào dân tộc Chăm diễn biến khá phức tạp, nhất là tình trạng thanh niên thường xuyên tụ tập thành các nhóm dùng gạch, đá, hung khí tự tạo đánh nhau gây thương tích. Một số thanh thiếu niên khi đi xe máy thường không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe chạy lạng lách, nẹt pô, thậm chí có hành vi thách thức lực lượng Công an... Trước tình hình trên, Công an huyện Bắc Bình đã xây dựng mô hình "Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn ANTT" tại thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh. Quá trình triển khai, lực lượng Công an cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã tích cực vận động, tuyên truyền các chức sắc, người có uy tín, quần chúng nhân dân về lợi ích, hiệu quả mà mô hình đem lại. Từ đây, các chức sắc, nhân dân đã chủ động tham gia và tích cực xây dựng mô hình cũng như phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) tại địa phương.

Trên cơ sở kết quả và những đóng góp của mô hình vào việc giữ gìn ANTT địa phương, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền nhân rộng mô hình "Chức sắc tham gia giữ gìn ANTT" để phát huy vai trò của các chức sắc, người có uy tín. Thành viên chủ yếu của các tổ mô hình là các vị chức sắc, sư cả, trí thức có uy tín. Đến nay, trên 3 xã thuần đồng bào Chăm của huyện Bắc Bình đã thành lập được 7 tổ nòng cốt mô hình "Chức sắc tham gia giữ gìn ANTT". Ngoài ra, các xã còn chú trọng xây dựng các mô hình "Tự phòng, tự quản" như mô hình "Camera an ninh", "Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo ANTT", "Dòng tộc tự phòng, tự quản"...

Theo đánh giá của Công an tỉnh Bình Thuận, những năm qua các chức sắc vùng đồng bào dân tộc Chăm đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, nắm tình hình liên quan đến ANTT để phản ánh với Ban chỉ đạo mô hình, Công an xã và chủ động phối hợp với tổ hòa giải, các đoàn thể, các lực lượng chức năng giải quyết, hòa giải hàng chục vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Từ mô hình "Chức sắc tham gia giữ gìn ANTT", các chức sắc, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Chăm còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phát tán tài liệu có nội dung vi phạm pháp luật; giúp lực lượng Công an bắt nhiều vụ tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, giải tán kịp thời hàng chục vụ thanh thiếu niên tụ tập có biểu hiện gây rối trật tự công cộng. Những đóng góp tích cực của các chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. Kết quả đó góp phần quan trọng đưa 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm là Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm, các xã đều đạt chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự" và giữ vững tiêu chí 19 trong xây dựng nông thôn mới.

"Hiệu quả các mô hình "Tự phòng, tự quản", trong đó có mô hình "Chức sắc tham gia giữ gìn ANTT" đã trở thành cầu nối giữa chính quyền với bà con vùng đồng bào dân tộc Chăm. Qua đó càng củng cố mối quan hệ gắn bó giữa các chức sắc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an các cấp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm, xây dựng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần giữ vững ANTT tại địa phương", Đại tá Đinh Kim Lập- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đánh giá.

Nguồn: baobinhthuan.com.vn