Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển
Ngày đăng: 24/11/2022Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ chính thức diễn ra vào ngày 28 – 29/11/2022 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, Thủ đô Hà Nội.
Đại hội IX với sự tham dự của 1.091 đại biểu gồm chức sắc Hội đồng Chứng minh; chức sắc, thành viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; đại biểu các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại biểu tăng ni, Phật tử thuộc các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là sự kiện quan trọng, được tiến hành theo Hiến chương GHPGVN, nhằm tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, Đại hội IX có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; Suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; Nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội; Thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và tăng, ni, cư sĩ, Phật tử thành viên Giáo hội.
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội lần này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội, nhằm phù hợp, đáp ứng những yêu cầu của thời đại; các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật hiện hành. Đây là căn cứ để chương trình hoạt động của GHPGVN trong nhiệm kỳ mới có thêm những sách lược, định hướng thể hiện tầm nhìn trí tuệ, phù hợp với tình hình thực tiễn và sự phát triển chung của xã hội.
Trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) vừa qua, hoạt động Phật sự của GHPGVN diễn ra trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù vậy, công tác Phật sự đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ.
Trong nhiệm kỳ VIII, Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, đây cũng là lần thứ 3 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam.
Tổ chức trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 - 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Chỉ đạo tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra thành công ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trước khi diễn ra Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Nội vụ chúc mừng
Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN
Tăng ni, Phật tử toàn Giáo hội đã hòa hợp, nỗ lực, góp phần trang nghiêm Giáo hội. Công tác giảng dạy, đào tạo được duy trì và tiến hành thường xuyên vừa trực tiếp, vừa phối hợp hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo chương trình và tiến độ.
Giáo hội đã nghiệm thu và cho triển khai các thành tựu của 4 đề án lớn về văn hóa Phật giáo: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam, Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam; là cơ sở khoa học để đưa ra hệ giá trị bất biến trong văn hóa Phật giáo Việt Nam và truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời mở ra không gian sáng tạo để đưa vào dấu ấn thời đại.
Hoạt động quốc tế của Giáo hội trong nhiệm kỳ VIII tập trung vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế, như ủng hộ chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka tiền và vật tư y tế giúp đỡ trong phòng, chống dịch Covid-19 trị giá hàng triệu đô la Mỹ, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Đồng thời, Giáo hội tích cực góp phần chăm lo đời sống tín ngưỡng, tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong nhiệm kỳ VIII, Giáo hội đã thành lập Ban Điều phối GHPGVN tại Lào, nâng số Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài là 22; thiết lập mối liên lạc thường xuyên, hướng dẫn tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài là trung tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi giao lưu, chia sẻ hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng, giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam, được thành lập vào năm 1981, đến nay đã qua hơn 40 năm hoạt động với những thành tựu nổi bật được đúc kết sau 8 nhiệm kỳ. Đây là sự tiếp nối mạng mạch Phật pháp từ xưa đến nay, trên tinh thần trang nghiêm Giáo hội chính là trang nghiêm về giới luật tự thân của mỗi thành viên; về mặt tổ chức là thực thi tu đạo, hành đạo theo Hiến chương của Giáo hội và tuân thủ Hiến pháp nước nhà.
Kế thừa thành tựu Phật sự của nhiệm kỳ VIII, Đại hội lần thứ IX lựa chọn chủ đề là “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động của toàn thể tăng, ni Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, thực hiện thành công 12 mục tiêu, chương trình tổng quát đề ra. Thông qua đó, Trung ương GHPGVN khẳng định quyết tâm trang nghiêm, phát triển Giáo hội; tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp của Phật giáo trong đời sống xã hội; cùng đồng bào, Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Bảo Ngọc