Đặc sắc trong lễ hội tra hạt cầu mưa của người Khơ Mú
Ngày đăng: 12/12/2022
Người Khơ Mú là một trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn Điện Biên hiện còn bảo lưu, trao truyền được nhiều phong tục, tập quán rất đặc sắc, trong đó có Lễ hội “Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ”(Tra hạt làm lễ cầu mưa)- một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống của người Khơ Mú.

Lễ hội “Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ”(Tra hạt làm lễ cầu mưa) là nét sinh hoạt văn hóa dân gian, đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú ở Tây Bắc. Đây chính là sản phẩm tinh thần của dân tộc Khơ Mú trong lịch sử phát triển và hình thành, với mục đích để cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, qua đó tạo khí thế, hy vọng vào năm mới, đầu vụ mới với ước vọng ngày một ấm no, đầy đủ, tốt đẹp hơn, thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và thiên nhiên.

 

Nghi lễ “Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ”(Tra hạt làm lễ cầu mưa) tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại Phú Thọ do các nghệ nhân dân tộc Khơ Mú thuộc bản Pú Tửu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trình diễn

 

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Khơ Mú quan niệm vạn vật hữu linh, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ tra hạt có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để cho cây lúa cây ngô, khoai sắn tươi tốt, bông to, hạt trắc đầy bồ, cây cối đồi núi xanh tươi, hạn chế lũ lụt, hạn hán. Nghi lễ truyền thống này có từ xa xưa, gắn bó với đời sống kinh tế, văn hóa nông nghiệp của người Khơ Mú.

Người Khơ Mú quan niệm rằng, sau khi gieo hạt, với ước nguyện một mùa năng suất cao, phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa để cây trồng tốt tươi, tránh khỏi hạn hán. Nghi lễ đã thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, vào thiên nhiên, những ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe nhau, được tham gia vào các điệu múa và các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.

Lễ hội phản ánh bức tranh phong phú trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Khơ Mú ở Điện Biên

Theo truyền thống, Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch trên nương rẫy. Quy mô gia đình lễ tra hạt được chủ nhà chọn tại nương rẫy của mình và có sự góp mặt, giúp đỡ của nhiều gia đình khác. Khi bắt đầu vào mùa vụ bà con dân bản chuẩn bị các loại hạt giống như lúa ngô, khoai sắn, đậu đỗ… để xuống giống trong một năm. Các loại hạt được trồng trên nương rẫy để tự cung tự cấp nhằm phục vụ cho sinh hoạt đời sống hành ngày. 

Sau phần lễ, bà con dân bản kéo về nhà thầy cúng để giao lưu, chơi hội, những chàng trai, cô gái Khơ Mú nhảy múa, hát ca, cùng ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa. Kết thúc, bà con Khơ Mú lại trở về với cuộc sống lao động bình thường, tích cực tham gia lao động sản xuất, tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, đầu vụ mới với ước vọng cuộc sống ngày một sẽ ấm no, đầy đủ và tốt đẹp hơn.

Hình ảnh nghi lễ "Tra hạt làm lễ cầu mưa" của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại Phú Thọ

Việc bảo tồn nghi lễ tra hạt cầu mưa của người Khơ Mú tại Điện Biên, là một việc làm thiết thực, góp phần xây dựng bản, làng văn hóa gắn với phát triển du lịch chính là đưa văn hóa bản vào phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, đồng thời hình thành nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch đến khám phá trải nghiệm.

Trong thời gian tới, để gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, Điện Biên đang đẩy mạnh nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa.Từng bước, phát triển các sản phẩm du lịch từ việc khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa các dân tộc; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; đầu tư và huy động các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Qua đó, đồng bào các dân tộc nói chung, bà con dân tộc Khơ Mú nói riêng nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của văn hóa, từ đó đề cao ý thức bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch, một hướng đi mới bền vững; tạo cơ hội việc làm cho đồng bào các dân tộc; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, văn nghệ, kinh tế giữa các dân tộc tại Điện Biên.

 

Theo baovanhoa.vn