Đặc sắc Lễ hội Bun Vốc Nặm của dân tộc Lào ở Lai Châu
Ngày đăng: 13/03/2023
Thầy cúng và đoàn rước thực hiện nghi lễ cúng thần linh tại lễ hội.
Ngày 11/3, Lễ hội Bun Vốc Nặm lần thứ 4 năm 2023 của dân tộc Lào được tổ chức tại bản Nà Vàn, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã thu hút đông đảo nhân dân trong huyện và tỉnh Lai Châu tham gia.

Dân tộc Lào huyện Tam Đường là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Bà con sống tập trung chủ yếu tại 2 xã Bản Bo, Nà Tăm và chiếm trên 7,6% tổng số dân toàn huyện. Mặc dù dân số không đông nhưng trong đời sống văn hóa tinh thần có nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng mang nét đặc trưng của dân tộc Lào Tây Bắc.

Từ đời xa xưa, con người đã rất coi trọng nước, nước là nhu cầu sống thiết yếu của con người và vạn vật. Từ ý nguyện ấy, bà con dân tộc Lào đã nương tựa vào “phà”, “đin” (nghĩa là trời - đất) để cầu cho mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc, vạn vật tốt tươi. Đó là nguồn gốc hình thành, lưu truyền tục cầu mưa của dân tộc Lào và được gọi là Lễ hội Bun Vốc Nặm hay Lễ hội té nước.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho biết: Nà Tăm là xã có gần 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Trong đời sống sinh hoạt của bà con có nhiều nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ cho tới ngày nay, trong đó có lễ hội Bun Vốc Nặm - một nghi lễ truyền thống của dân tộc Lào. Lễ hội Bun Vốc Nặm của dân tộc Lào được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh.

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, những nét đẹp văn hóa dân tộc Lào, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn xã Nà Tăm được khôi phục và phát triển phong phú, đa dạng. Xã đã thành lập 8 đội văn nghệ quần chúng, một câu lạc bộ văn hóa dân gian. Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lào. 

Thầy cúng và đoàn rước đi tới các gia đình được chọn để xin nước mưa.

Lễ hội Bun Vốc Nặm gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ sẽ tái hiện Lễ cúng cầu mùa, Lễ cúng cầu mưa, múa xòe và té nước. Mở đầu phần lễ là nghi lễ cúng thần linh bởi người Lào quan niệm, khi bắt đầu bất cứ một sự kiện quan trọng nào thì việc dâng lên các lễ vật để báo cáo và xin phép thần linh nơi diễn ra sự kiện là việc nên làm để cầu mong thần linh phù hộ cho công việc được diễn ra thuận lợi.

Trước tiên, thầy cúng cầm mỗi tay một nén hương tiến lại gần chòi cúng vái 3 vái để xin dâng hương. Sau khi dâng hương xong thầy cúng vái tiếp 3 vái để xin cho đoàn bê lễ là những già làng có uy tín trong bản dâng những lễ vật lên chòi để cúng thần linh. Lễ vật dâng lên thần linh gồm: Lợn, gà, bánh chưng, rượu, chè, xôi, mía, chuối, hoa quả, bánh kẹo. Sau khi dâng lễ xong thầy cúng bắt đầu làm các nghi lễ cúng thần linh.

Kết thúc nghi lễ cúng thần linh thầy cúng bước lên phát lệnh cho đoàn đi xin nước mưa để cúng tượng phật trong chùa. Đoàn đi xin nước mưa của các gia đình đã được bản lựa chọn, những gia đình này năm vừa qua mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc nhất bản. Dẫn đầu đoàn là thầy cúng theo sau là các già làng có uy tín trong bản. Tiếp đến là các chàng trai, cô gái khỏe mạnh ngoan hiền trong bản được lựa chọn cầm ống xin nước và hoa. Cuối cùng là đoàn rước trống chiêng. Vừa đi đoàn vừa đánh trống, gõ chiêng, đập mẹt, tuốt lạt, tuốt lá cọ khô để tạo ra những âm thanh giống như tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi. Đó là những hành động mang ý nghĩa phồn thực, cầu trời cho mưa xuống cho vụ mùa tốt tươi, bội thu.

Khi đến chân cầu thang lên nhà của gia đình đầu tiên. Thầy cúng và các già làng cùng nhau hát bài xin mở cửa và bài xin nước. Khi được chủ nhà đáp lại và mở cửa bước xuống cho nước, thầy cúng cho các chàng trai cầm ống xin nước đi qua chum nước để chủ nhà cho nước. Tương tự, khi đến chân cầu thang lên nhà của các gia đình tiếp theo, thầy cúng và các già làng tiếp tục thực hiện hát bài xin mở cửa và bài xin nước. Sau khi xin nước mưa xong cả đoàn lễ cùng nhau di chuyển về chùa để làm lễ cầu mưa.

Mọi người nắm tay múa xòe quanh cây chuối thể hiện sự đoàn kết tại lễ hội. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Trên đường đi, các gia đình trong bản mang nước mưa ra đứng 2 bên đường để té nước vào đoàn rước với mong muốn được góp những giọt nước của gia đình mình dâng lên cúng tượng phật và cầu mong cho gia đình mình năm mới sẽ được may mắn, sức khỏe, làm ăn phát đạt.

Khi đoàn rước nước và hoa về đến chùa. Thầy cúng cầm 2 nén hương tiến vào chùa làm các nghi lễ dâng hương. Sau khi dâng hương thầy cúng sẽ nhận lễ vật từ tay của các già làng để dâng vào chùa. Lễ vật dâng vào chùa không có lợn, gà mà chỉ có đồ chay như bánh kẹo, mía và hoa quả.

Sau khi đặt lễ xong thầy cúng cho phép đoàn rước hoa và nước tiến vào trong chùa để dâng hoa, dâng nước. Hai lần dâng hoa sẽ là một lần tưới nước nối tiếp nhau cho đến khi dâng hết hoa. Những bông hoa thơm nhất, đẹp nhất được người dân trong bản lựa chọn kỹ lưỡng trước khi dâng lên cúng chùa nhằm cầu mong thần linh đón nhận và che chở bảo vệ cho dân bản.

Sau lễ dâng hoa là lễ rửa tượng phật. Thầy cúng lựa chọn 15 chàng trai khỏe mạnh nhất bản cầm ống nước để thầy thực hiện nghi lễ rửa tượng phật với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm của trần gian trong một năm qua và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới. Khi nghi lễ rửa tượng xong thầy cúng xin phép thần linh cho dân bản được treo trống chiêng để tổ chức lễ hội.

Tiếp đến, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa. Nghi lễ cúng cầu mưa xong, thầy cúng cho cả đoàn lễ đi vòng quang chùa 3 vòng. Vừa đi thầy cúng và các già làng vừa cúng để tỏ lòng thành kính và xin phép thần linh cho nhân dân được tổ chức lễ hội té nước cầu mưa.

Khi đã xin phép thần linh, trời đất, thầy cúng cho phép mọi người được ca hát, nhảy múa phía trước chùa. Những điệu múa, điệu xòe cùng những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống sẽ được vang lên, mọi người cùng nhau ca hát nhảy múa để cầu mong cho một năm mới ngập tràn niềm vui, may mắn.

Sau đó, các đại biểu, du khách cùng toàn thể nhân dân di chuyển ra dòng suối Nậm Mu cùng hòa mình vào lễ hội té nước của dân tộc Lào và cùng cầu mong cho một năm mới sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, may mắn ngập tràn. Tại khu vực té nước có một cây chuối được cắm sẵn ở giữa suối tượng chưng cho cây cối mùa màng đang sinh sôi, nảy nở. Sau đó thầy cúng xin phép thần sông, thần suối và cho mọi người thực hiện nghi lễ té nước cầu mưa. Trai bản trên, gái bản dưới, không phân biệt người già, trẻ nhỏ kéo nhau ra suối té nước. Với quan niệm ướt càng nhiều, may mắn sẽ đến càng nhiều nên ai cũng mong mình được té ướt càng nhiều càng tốt.

Lễ hội còn là dịp để người dân đoàn tụ gia đình, thôn bản. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Tại phần hội diễn ra các hoạt động hấp dẫn người dân và du khách như: Giao lưu văn nghệ, thi ẩm thực, thi đan giỏ tre, thi đấu các môn thể thao dân tộc (kéo co, tung còn, đẩy gậy), tổ chức các trò chơi dân gian (rắn bắt ngóe, đánh cầu lông gà, bắt đầu bắt chân, bịt mặt đập chiêng, đi cầu thăng bằng)… mang đậm bản sắc của dân tộc Lào.

Ông Đỗ Trọng Thi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cho hay: Lễ hội Bun Vốc Nặm của dân tộc Lào ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Lào. Bởi ngoài ý nghĩa bà con bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, thần linh còn là dịp để đoàn tụ gia đình, thôn bản. Mặt khác, lễ hội tổ chức còn là dịp tôn vinh những nét đẹp, giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Lào và nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Thông qua các hoạt động được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đẹp, sự độc đáo trong văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Lào trên địa bàn xã Nà Tăm nói riêng và huyện Tam Đường nói chung. Lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, mà còn từng bước tạo sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.

 

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)