Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030: Tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật về môi trường
Ngày đăng: 14/04/2022
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với quan điểm môi trường là yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và 7 giải pháp, trong đó chú trọng việc phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm coi “môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục đạo đức môi trường, tình yêu thiên nhiên, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường của con người Việt Nam; đưa bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục các cấp và trình độ đào tạo; xây dựng các mô hình tiên tiến, điển hình về bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục.

Nội dung bảo vệ môi trường được triển khai tại chương trình truyền thông học đường 

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về môi trường trên các phương triện thông tin đại chúng, phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... nhằm biến ý thức của cộng đồng thành hành động về bảo vệ môi trường. Trọng tâm của giải pháp là đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Song song với đó, Chiến lược cũng đề cập nội dung tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, trong đó có việc rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và các luật có liên quan; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020./.

 

NL