Cận cảnh Lầu Tàng Thơ “thư viện Hoàng gia triều Nguyễn” lớn nhất đưa vào khai thác
Ngày đăng: 16/03/2021Chiều 15/3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khai trương không gian Lầu Tàng Thơ, thư viện Hoàng gia triều Nguyễn lớn nhất vừa được trùng tu, phục hồi đưa vào khai thác và giới thiệu nguồn thư tịch cổ của triều Nguyễn.
Lầu Tàng Thơ là một trong những thư viện lớn của triều Nguyễn được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) là kho lưu trữ nhằm mục đích xử lý các thông tin liên quan đến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu cho việc viết sử sách.
Lầu nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật (diện tích khoảng 30 m x 50 m), ở giữa hồ Học Hải (đây là một hồ hình vuông, vốn là một đoạn trong dòng chảy cũ của sông Kim Long, được nắn lại dưới thời vua Gia Long, phần đảo nổi giữa hồ được sử dụng làm kho thuốc súng và diêm tiêu). Hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía tây. Bốn mặt hồ xây tường gạch thấp. Lầu Tàng Thơ bao gồm một tòa nhà 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4 m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh (7 cửa lớn và 11 cửa sổ), các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn.
Tổng thể kiến trúc Lầu Tàng Thơ được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình, đặc biệt để đối phó với hai thứ họa lớn là nước và lửa. Sau khi Lầu Tàng Thơ xây dựng xong, vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826, ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc dựng Lầu Tàng Thơ.
Tài liệu, thư tịch cổ triều Nguyễn được giới thiệu ở Lầu Tàng Thơ
Trải qua thời gian và bao biến động lịch sử, Lầu Tàng Thơ đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2000, dự án nghiên cứu, phục hồi Lầu Tàng Thơ được khởi động, đến năm 2014, dự án trùng tu phục hồi công trình chính thức được khởi công. Sau hơn 7 năm tu bổ, đến nay công trình đã hoàn thành.
Hồi sinh thư viện Hoàng gia triều Nguyễn
Cùng với việc đưa công trình trùng tu Lầu Tàng Thơ vừa hoàn thành vào khai thác, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã giới thiệu nguồn thư tịch cổ của triều Nguyễn, trong đó có nhiều tư liệu gốc cùng với bản sao tài liệu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia tại Hà Nội, gồm ba loại hình tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh, với hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại, dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách Mỹ thuật, Kiến trúc, Văn hóa, Phật giáo, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Ngôn ngữ học, bản đồ, cùng nhiều hiện vật, văn bia, bản khắc, video tư liệu hình ảnh…
Sách đồng, sách vàng và bản khắc gỗ triều Nguyễn trưng bày tại Lầu Tàng Thơ
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong định hướng lâu dài, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ phục dựng nơi đây thành một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử.
Văn bản chữ Hán trưng bày tại Lầu Tàng Thơ
Không gian Lầu Tàng Thơ và nguồn thư tịch của triều Nguyễn đưa vào khai thác hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách, người dân mà còn là nơi phục vụ nghiên cứu văn hóa, lịch sử./.
Theo thanhnien.vn