Các tôn giáo tỉnh Khánh Hòa chung tay bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 22/07/2021
Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh tặng giấy khen cho các tập thể
Bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư, 5 năm qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chung tay bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều mô hình tiêu biểu


Chùa Đại Phước (thôn Đại Điền Trung 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) là một trong những căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngoài du khách thập phương thăm viếng, chùa có hơn 200 phật tử thường xuyên sinh hoạt đạo tràng. Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp với Ban hộ tự của chùa và các phật tử tích cực tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, vận động phật tử tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, trồng rừng, trồng cây xanh, thực hiện các tuyến đường cây, đường hoa, bảo vệ nguồn nước… Ban hộ tự chùa cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam xã để vận động thực hiện các hoạt động bác ái, từ thiện; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng dân cư khi gặp thiên tai, bão, lũ; kêu gọi các phật tử tham gia mô hình tự quản về BVMT xanh, sạch, đẹp. Từ đó, ý thức bảo vệ rừng, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của các phật tử ngày càng được nâng lên và lan tỏa rộng khắp.
Khu dân cư Dinh Thành 2, thị trấn Diên Khánh có 2 cơ sở tôn giáo là Hội thánh Tin Lành và Thánh thất Cao Đài. Những năm qua, cùng với sự phát triển đô thị, các vấn đề về môi trường như: Rác thải, nước thải, tiếng ồn, bụi bẩn... làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Với tình hình đó, UBMTTQ Việt Nam thị trấn phối hợp với các cơ sở tôn giáo vận động 100% hộ gia đình tự nguyện đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa; tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động người dân không đổ nước thải ra đường, không bỏ rác bừa bãi làm mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hạn chế đốt vàng mã… Nhờ đó, người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường.

Mô hình “Nhân dân và phật tử chùa Hải Giác, huyện Vạn Ninh nói không với túi ni lông và trồng cây phòng, chống xâm nhập mặn bảo vệ môi trường thôn Hải Triều”.

http://mattrankhanhhoa.org.vn/Portals/0/trao%20tng%20gi%20xach%20di%20ch.jpg

Tặng giỏ xách nhựa đi chợ cho các phật tử

Tại lễ phát động, Ban tổ chức đã trao tặng giỏ xách nhựa đi chợ cho các phật tử tham gia mô hình, xây dựng thói quen dùng giỏ đi chợ, hạn chế việc sử dụng túi ni lông. Sau lễ phát động, đã tổ chức đi hái trái và trồng trên 40.000 cây đước con dọc biển Hải Triều.

http://mattrankhanhhoa.org.vn/Portals/0/pht%20t%20chua%20Hi%20Giac%20va%20nhan%20dan%20thon%20Hi%20Triu%20tham%20gia%20trng%20duc.jpg

Phật tử chùa Hải Giác và người dân thôn Hải Triều trồng cây đước con dọc bờ biển

 

Mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại chùa Giác Hải, thành phố Nha Trang.

http://mattrankhanhhoa.org.vn/Portals/0/image001196ph.jpg

Tại đây Mặt trận phường Phước Hải đã cung cấp một số thông tin về biến đổi khí hậu, thực trạng ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của người dân hiện nay. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Dịp này đại diện chùa Giác Hải đã phát động tăng ni, phật tử tích cực hưởng ứng tham gia bảo vệ và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc xóa bỏ các tập quán, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày gây ô nhiễm môi trường và làm tăng biến đổi khí hậu, thực hiện sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế… hợp vệ sinh. Đồng thời nhà chùa cũng cam kết xây dựng và giữ gìn cơ sở luôn xanh – sạch – đẹp, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Để mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ và ứng phó với biến đổi khí hậu” mang lại hiệu quả thiết thực, hàng tháng chùa Giác Hải huy động bà con phật tử tại chùa và nhân dân trong Tổ dân phố 1, 2 Phước Toàn Đông tiến hành tổng vệ sinh nhà chùa và các hẻm lân cận vào ngày thứ 7 của tuần cuối tháng, nhằm giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp.

Thông qua mô hình này, Mặt trận phường Phước Hải sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phấn đấu có từ 80% hộ gia đình, bà con phật tử, nhà hàng khách sạn trong khu dân cư cam kết thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ môi trường; 100% hộ gia đình bà con phật tử có thùng rác, túi đựng chất thải hợp vệ sinh và thực hiện bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định; 100% hộ chăn nuôi đảm bảo giữ vệ sinh chung, không gây ô nhiễm môi trường, phát tán mùi hôi thối trong khu dân cư.


Tiếp tục nhân rộng


Ông Phan Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh cho biết, toàn huyện có 5 tôn giáo, 68 cơ sở thờ tự với hơn 35.000 tín đồ. Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện với các tổ chức tôn giáo giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện bằng những hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn khu dân cư. Chương trình phối hợp được triển khai đến 18 mặt trận cấp xã, 93 khu dân cư, 68 cơ sở thờ tự tôn giáo với 61 vị chức sắc và 244 vị chức việc. Các nội dung phối hợp chính như: Tuyên truyền; hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý rủi ro, thiên tai bất thường; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình xuất sắc…


Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo về tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Theo đó, các tổ chức tôn giáo hướng dẫn, vận động chức sắc, chức việc, tu sĩ và bà con tín đồ nắm bắt, cập nhật thường xuyên những kiến thức về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sinh hoạt tôn giáo; xây dựng, giữ gìn cơ sở thờ tự bảo đảm môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng các mô hình trong cộng đồng tôn giáo, khu dân cư về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai và hướng dẫn chi tiết các hoạt động như: Tổ chức khảo sát, hỗ trợ nội dung, cơ sở vật chất để Mặt trận xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông; biên soạn, cung cấp kiến thức, phát tờ rơi, tập huấn, tổ chức các buổi truyền thông về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu…

5 năm qua, hàng trăm cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện Vạn Ninh chủ động triển khai nhiều hoạt động BVMT trong các khu dân cư, nhất là những nơi ở xa trung tâm, khó khăn, chưa có điều kiện thu gom và xử lý rác thải tập trung… Những việc làm cụ thể về BVMT đều được các chức sắc tôn giáo lồng ghép khéo léo trong các buổi giảng giáo lý hàng ngày. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 80% khu dân cư thực hiện có hiệu quả phong trào BVMT.


Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Vạn Ninh cho biết, thời gian qua, các đoàn thể đã phối hợp với Ban Đoàn kết tôn giáo vận động bà con các tôn giáo tích cực tham gia BVMT. Nhờ đó, môi trường ở các khu vực có đông đồng bào tôn giáo sinh sống rất tốt. Việc hình thành và phát huy hiệu quả các mô hình tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay không chỉ nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của các chức sắc, tín đồ các tôn giáo mà còn tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thời gian tới, UBMTTQ Việt Nam huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình này trên toàn huyện, nhất là khu vực có đông đồng bào tôn giáo sinh sống; đồng thời xây dựng thêm nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tôn giáo. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thói quen của đồng bào các tôn giáo trong công tác BVMT, xây dựng huyện Vạn Ninh sáng - xanh - sạch - đẹp.

Các tổ chức tôn giáo tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp ngành tài nguyên - môi trường, MTTQ các cấp thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư, qua đó, nhận thức của người dân, các chức sắc, chức việc và tín đồ được nâng lên. Thời gian thực hiện chưa dài nhưng đã có nhiều mô hình hay xuất hiện và cần được tiếp tục nhân rộng.

 

 Pv t/h