Các tôn giáo tỉnh Bắc Kạn tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 23/11/2021
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể trong thực hiện Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2016 - 2021
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay có 03 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành, hoạt động tại 51 xã, phường, thị trấn của 8 huyện và thành phố, với tổng số gần 18.000 tín đồ, chiếm hơn 5% dân số toàn tỉnh.

Trong những năm qua, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 – 2021”.

Ngay sau khi ký kết Chương trình phối hợp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường đã khảo sát và xây dựng mô hình điểm “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới và tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, cung cấp tài liệu cho cộng đồng khu dân cư kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu trên thế giới, trong nước, của địa phương và trên địa bàn khu dân cư.

Trên cơ sở Chương trình phối hợp và kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường cùng cấp và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn triển khai, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm vững và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới. 

Sau 5 năm, nhiều mô hình đã được xây dựng, duy trì và nhân rộng, như: Mô hình “Đồng bào tôn giáo bảo vệ môi trường” tại thôn Khuổi Hao, xã Cao Thượng và thôn Nặm Dài, xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể); mô hình “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới và tại Đền Mẫu, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn,…

Các mô hình này đã tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở thờ tự tôn giáo về việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, xây bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh của gia đình hợp lý; nước thải, rác thải được xử lý đảm bảo đúng quy định, đồng thời tổ chức thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường và chia thành nhiều nhóm nhỏ theo khu vực khu dân cư trong thôn.

Đến nay, việc bảo vệ môi trường sống xung quanh đang dần trở thành thói quen, nếp sống tốt, người dân nói chung và các tín đồ tôn giáo nói riêng đã có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đấu tranh khắc phục tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường. Từng khu dân cư bổ sung các nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của cộng đồng, xây dựng những tiêu chí đánh giá, xếp loại khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa gắn với tiêu chuẩn thực hiện tốt công bảo vệ môi trường ở khu dân cư.

 

PV t/h