Các tôn giáo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Ngày đăng: 03/11/2022Thời gian qua, các cơ sở thờ tự và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn huyện Lấp Vò xây dựng nhiều mô hình và cách làm mới có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Huyện Lấp Vò có 8 tôn giáo đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài (Cao Đài Ban chỉnh đạo và Cao Đài Tây Ninh), Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (BVMT) của huyện được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các kiến thức về biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT được đẩy mạnh, nên nhận thức trong nội bộ và các cơ sở thờ tự các tôn giáo, tín đồ các tôn giáo và nhân dân được nâng lên và đồng tình hưởng ứng.
Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Lấp Vò phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện triển khai Kế hoạch liên tịch của 2 cơ quan với các tôn giáo về “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (BVMT&ƯPVBĐKH) đến các cấp, các ngành từ huyện đến xã và cộng đồng dân cư, đồng thời phát động các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn huyện.
Trọng tâm là báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường về thực trạng ô nhiễm môi trường và thực hiện các chính sách, pháp luật về BVMT&ƯPVBĐKH trên địa bàn huyện Lấp Vò; kết hợp xem video clip về thực trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp, giúp cho các chủ thể tiếp cận nhận biết người thật, việc thật đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội.
Ngay sau đó, MTTQ huyện phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tập trung hướng dẫn MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ, cán bộ môi trường xã, thị trấn tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT&ƯPVBĐKH đến các doanh nghiệp, tín đồ các tôn giáo, đoàn viên, hội viên và nhân dân lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội về tác hại, ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, mọi người phải có ý thức cộng hưởng trách nhiệm.
Qua triển khai thực hiện phong trào, đến nay đa số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về tình hình ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của mình phải làm gì để BVMT ở cơ sở thờ tự, gia đình và cộng đồng dân cư.
Công tác phối hợp vận động xây dựng các mô hình được MTTQ chủ trì phối hợp với ngành môi trường và các tổ chức chính trị -xã hội xã, thị trấn tiến hành khảo sát từng cơ sở thờ tự, địa bàn cụ thể để chọn địa điểm, nhằm vận động xây dựng các mô hình thực hiện các nội dung thiết thực để BVMT tại các cơ sở thờ tự và cộng đồng dân cư. Thiết thực là mô hình Tổ tự quản môi trường các tôn giáo ở tại địa bàn dân cư, phân loại rác, đào hố rác, xử lý rác thải tại cơ sở thờ tự các tôn giáo và gia đình tín đồ tôn giáo; không sử dụng vật tư nông nghiệp độc hại, không vứt chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất chế biến gây hại con người và môi trường…
Chú trọng việc hướng dẫn các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân chung tay BVMT, tạo cảnh quang thiên nhiên, bảo tồn đa dạng hệ sinh học; môi trường sinh thái; trồng cây xanh đường làng, ngõ xóm, xây dựng mô hình cổng nhà, sân vườn, công trình vệ sinh, công viên xanh, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sử dụng nước sạch ăn uống hợp vệ sinh….
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động đã tác động tín đồ các tôn giáo và nhân dân hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đồng tình hưởng ứng, cam kết sẽ thực hiện tốt các nội dung trên, nhằm thực hiện có hiệu quả trong công tác BVMT&ƯPVBĐKH tại địa bàn dân cư, góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Qua hơn 05 năm thực hiện Kế hoạch, đã đạt được những kết quả rất phấn khởi: Thành lập được 07 mô hình tôn giáo tham gia BVMT; có 65 cơ sở thờ tự các tôn giáo cam kết tham gia BVMT, thực hiện thu gom rác, phân loại rác, đào hố rác thực hiện BVMT; có 5.580 hộ tín đồ các tôn giáo cam kết tham gia BVMT, thực hiện mô hình thu gom rác, phân loại rác, đào hố rác, tiêu hủy rác BVMT; có 56 cơ sở thờ tự các tôn giáo có mô hình xây dựng hàng rào, trồng cây xanh, tạo cảnh quang xanh, sạch, đẹp; xây dựng mô hình đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp với tổng chiều dài trên 58 km.
Ngoài ra, xây dựng mô hình từ thiện xã hội trong tôn giáo, vận động giúp đỡ hộ nghèo, gặp thiên tai, bệnh tật; phát huy hiệu quả hoạt động 14 tổ từ thiện xã hội, đã vận động giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.
Kết quả trên phản ánh sự quan tâm hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường trong việc triển khai, tập huấn công tác BVMT từ huyện đến cơ sở; cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân Huyện, công tác phối hợp đồng bộ giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở; thông qua công tác triển khai, tuyên truyền, vận động giúp cho mọi người nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc BVMT, thảm họa ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nên tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội về công tác BVMT. Từ đó, các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, nhất là các cơ sở thờ tự của các tôn giáo trên địa bàn huyện và nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, tích cực hưởng ứng thực hiện xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay, có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, BVMT sống xanh, sạch, đẹp và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trần Thắng