Các tổ chức tôn giáo tỉnh Cao Bằng hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 01/11/2022
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng tặng quà chức sắc các tôn giáo
Tỉnh Cao Bằng hiện nay có 3 tôn giáo được công nhận hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với trên 26.000 tín đồ; có 15 cơ sở tín ngưỡng, gần 100 chức sắc.

Những năm qua, đồng bào tôn giáo tỉnh Cao Bằng luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị của địa phương.

Chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tổ chức tôn giáo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: đưa nội dung về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào trong các hướng dẫn công tác tôn giáo hàng năm; vận động chức sắc, tín đồ tham dự các buổi mít tinh nhân Ngày Khí tượng thế giới (30/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6); vận động nhân dân dùng nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh làm sạch đẹp khang trang đường làng, ngõ xóm.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ môi trường cho người dân; xây dựng, duy trì các mô hình tự quản về môi trường; đầu tư các bể lưu trữ bao bì, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ nhân dân di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động người dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thay bằng các loại phân xanh, phân hữu cơ, phân loại rác thải... 

Cùng với sự chung tay của đồng bào tôn giáo trong việc tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày; những con đường bê tông thay thế  đường đất nhỏ hẹp, lầy lội trước đây, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tại xóm Đon Sài, xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm), nơi có đa số người dân theo Tin Lành, bà con luôn đoàn kết, giúp nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, tích cực xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đường làng, ngõ xóm được người dân tu sửa thường xuyên; hoàn thành 100% hộ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở,…

Năm 2021, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xóm xây dựng được cây cầu thoát lũ dài 10 m, rộng 2 m, nhân dân đóng góp 185 ngày công lao động. Xóm có 68/84 hộ đạt gia đình văn hóa; nhân dân tham gia xây dựng các quy ước, hương ước. Đồng bào tôn giáo đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mục sư Tẩn Văn Diêu, thôn Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng

Mục sư Tẩn Văn Diêu, Ủy viên Ban Trị sự Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), thôn Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, cho biết về vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thì Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) cũng rất quan tâm đến vấn đề này và thường xuyên hướng dẫn cho chúng tôi một số phương thức để hướng dẫn các tín hữu có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Hiện nay, cùng với việc phụ trách các điểm nhóm của người Dao tại tỉnh Cao Bằng, ngoài thực hiện các sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các tín hữu của mình về việc giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nhà thờ, nơi ở, sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, và đặc biệt bảo vệ rừng, không chặt phá rừng bừa bãi.

Chúng tôi cũng khuyến khích các tín hữu giữ gìn các bản sắc văn hóa của dân tộc mình như tiếng mẹ đẻ, các trang phục truyền thống, lễ hội,…

Còn tại khu phố Cao Bình, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, hiện có 165 hộ, hơn 500 nhân khẩu (trong đó, đồng bào Công giáo chiếm khoảng 10%). Phát huy tinh thần đoàn kết, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo tại khu phố luôn đoàn kết, thực hiện tốt quy ước, hương ước tổ dân phố; tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cùng chung sức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường, xây dựng quê hương “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Bên cạnh đó, với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng luôn phát huy truyền thống đoàn kết nhân ái của dân tộc, tinh thần đoàn kết “bác ái yêu thương”, tích cực tham gia các hoạt động giúp người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, gia đình chính sách, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện, trao hàng nghìn xuất quà, ủng hộ  công tác phòng chống dịch Covid-19, điển hình như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Giáo xứ Cao Bình, Giáo xứ Thanh Sơn.../.

 

Nguyễn Minh