Các di tích chuẩn bị cho mùa du xuân trẩy hội
Ngày đăng: 10/01/2023
Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) thu hút đông du khách đến dâng hương, vãn cảnh
Mùa du xuân trẩy hội Quý Mão năm 2023 đã cận kê. Thời điểm này, các ban quản lý di tích, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng phương án quản lý hoạt động lễ hội. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm.

Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) vào những ngày cuối năm, du khách đến đây chiêm bái, vãn cảnh khá đông. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu di tích, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thị xã Bỉm Sơn, cho biết: “Trong những năm gần đây đền Sòng ngày càng được quan tâm đầu tư khang trang, thu hút rất đông du khách ở trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, vãn cảnh, nhất là vào dịp lễ hội đầu xuân. Lễ hội đền Sòng thường được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 26-2 (âm lịch). Thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được ban quản lý gấp rút thực hiện. Cùng với việc quan tâm chỉnh trang lại cảnh quan xung quanh khu di tích thì chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra các phương án, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, ban quản lý di tích tập trung tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, đồng thời cũng triển khai các phương án bố trí điểm trông giữ phương tiện giao thông... Ngoài ra, chúng tôi phân công, bố trí cán bộ hướng dẫn du khách khi đến tham quan, chia ca túc trực tại các điểm di tích 24/24h, tránh để xảy ra tình trạng móc túi hay trộm đồ của du khách. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, đền Sòng luôn là điểm đến văn minh, hấp dẫn du khách”.

Là người đến đền Sòng để chiêm bái, vãn cảnh, bà Trịnh Thị Hồng, một người làm kinh doanh ở tỉnh Hải Dương cho biết: “Hàng năm, vào dịp cuối năm, hoặc đầu xuân, tôi cùng gia đình thường hay đến đền Sòng để lễ bái và tham quan. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cảnh quan môi trường ở khu vực trong và ngoài di tích luôn sạch sẽ. Mặc dù ở đây thu hút khá đông du khách nhưng tôi thấy công tác an ninh trật tự được địa phương triển khai rất tốt, đảm bảo an toàn cho du khách. Ở di tích cũng không có tình trạng đổi tiền lẻ, ăn xin, trộm cắp xảy ra... Thế nên, mỗi lần đến đây tôi rất yên tâm, thoải mái để vãn cảnh".

Vốn là thành phố biển, thế nên từ xưa đến nay Sầm Sơn còn lưu giữ được một hệ thống dày đặc các lễ hội dân gian gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của cư dân miền biển. Trong đó, có lễ hội Cầu Phúc được tổ chức vào dịp đầu xuân (ngày 16-2 âm lịch) nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của thành phố. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch độc đáo của cư dân vùng biển xưa, kết hợp với chất hiện đại của một thành phố du lịch năng động, sáng tạo, văn hóa, văn minh, hiện đại... Để tổ chức lễ hội vừa trang nghiêm, đúng ý nghĩa của lễ hội văn hóa truyền thống, vừa an toàn, tiết kiệm, thành phố đã thành lập ban tổ chức lễ hội Cầu Phúc, phân công công việc cụ thể cho từng cấp, ngành trên địa bàn như, lực lượng công an tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Sầm Sơn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại khu vực diễn ra các hoạt động của lễ hội; Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn bố trí lực lượng đảm bảo công tác sơ, cấp cứu cho đại biểu, Nhân dân và du khách tham gia lễ hội nếu có tình huống xấu xảy ra...

Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, hiện đang sở hữu 1.535 di tích lịch sử - văn hóa và hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm; trong đó, nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân như lễ hội đền Nưa (Triệu Sơn), lễ hội đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), lễ hội Cửa Đặt (Thường Xuân), lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước (TP Sầm Sơn)... thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Để góp phần tổ chức tốt lễ hội đầu xuân năm 2023, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão năm 2023. Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Thiệu Hóa... tăng cường quản lý, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội và các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tình trạng ăn xin ăn mày, hoạt động mê tín dị đoan tại các điểm di tích, lễ hội trên địa bàn trong thời gian trước, trong và sau tết; đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định... Thông qua đó, góp phần tổ chức một mùa lễ hội văn minh, tiết kiệm và tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa của đất và người xứ Thanh tới đông đảo du khách./.

 

Theo thanhhoa.vn