Bảo tồn và phát huy giá trị đền Mẫu Âu Cơ và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ
Ngày đăng: 17/10/2023Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, kết nối giá trị văn hóa, giá trị tâm linh của đền Mẫu Âu Cơ và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, UBND huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị”, ngày 12/10/2023.
Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, tín ngưỡng, tâm linh của di tích đền Mẫu Âu Cơ, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đánh giá toàn diện và cụ thể thực trạng bảo vệ, phát huy giá trị di tích, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 967 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có trên 300 di tích đền, đình, miếu đã được Nhà nước xếp hạng. Một số di tích tiêu biểu, như: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), Hùng Vương Tổ miếu, đền Tiên, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì)...
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, trong những năm qua, Phú Thọ đã tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để đầu tư tôn tạo, tu bổ hệ thống các di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu, học giả tập trung phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ... của đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, với 03 nhóm nội dung chính: đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - định hướng bảo tồn và quy hoạch; đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - giá trị và biện pháp bảo vệ; đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ và sự phát triển bền vững Hạ Hòa, Phú Thọ.
Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả hơn công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, đưa các giá trị di sản văn hóa thành lợi thế phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao vị thế của đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa xứng tầm với ý nghĩa vốn có của di tích trong tâm thức người Việt và làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa hết sức đặc sắc của người Việt với đầy đủ các biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Được ra đời và tồn tại trên vùng đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng, được coi là biểu tượng về nguồn cội thiêng liêng, cao quý của dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trở thành tài sản văn hóa vô giá của sức mạnh đoàn kết của cả quốc gia dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ cần được bảo vệ một cách tổng thể ở tầm quốc gia đặc biệt bởi vì ở đó chứa đựng một tập quán có từ lâu đời, được phát triển trở thành tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ngày nay. Đền Mẫu ở Hạ Hòa là nơi khởi nguồn và lan tỏa tín ngưỡng này. Việc bảo vệ di tích, di sản mang lại những lợi ích, ý nghĩa sâu sắc đối với cộng đồng địa phương và với quốc gia, dân tộc.
Kết luận tại Hội thảo, PGS, TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đền Mẫu Âu Cơ và giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Ông cho biết, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đồng ý nhất trí cao với huyện Hạ Hòa về việc nâng cấp xếp hạng đền là di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, việc tu bổ, tôn tạo di tích cần phù hợp với quy hoạch chung của địa phương để tạo lập môi trường cảnh quan di tích lịch sử văn hóa hài hòa, hấp dẫn. Trong công tác quy hoạch cần tuân thủ về quy định bảo tồn khu di tích, phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh, và tăng cường công tác truyền thông quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; các bài thuyết minh di tích phải phù hợp với từng đối tượng du khách; bên cạnh đó, cần xây dựng các tour tham quan di tích đền Mẫu Âu Cơ kết hợp với các điểm di tích, văn hóa tâm linh khác trên địa bàn.
Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ tồn tại cho đến nay đã trải qua hơn 05 thế kỷ, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, được các triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong công nhận. Ngày 03/8/1991, đền Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 31/01/2020, bức tượng Mẫu Âu Cơ thờ trong chính điện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Minh Lan