Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
Ngày đăng: 30/11/2022Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Nam Định được coi là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đây cũng là nơi phát tích của Vương triều Trần, nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa của Việt Nam. Nam Định còn có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Ở khắp các miền quê trong tỉnh đều dày đặc di sản, di tích; đó là những công trình tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh: đình, đền, chùa, miếu, phủ, nhà thờ, từ đường, những phong tục tập quán, các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thể hiện đậm nét trong các lễ hội truyền thống và những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Theo số liệu kiểm kê của Sở VH, TT và DL tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 1.359 di tích, đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật; trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt (khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh và di tích Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 307 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, 963 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Công giáo; trên 3.000 từ đường dòng họ; gần 100 làng nghề truyền thống; 4 nhóm bảo vật quốc gia, hơn 25 nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật được lưu giữ, trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm các lễ hội: Đền Trần, Phủ Dầy, chùa Keo Hành Thiện, chùa Đại Bi, Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá, Đền - chùa Linh Quang, nghệ thuật ca trù, nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, nghề sơn mài Cát Đằng cùng nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian như: hát chèo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước, rối cạn, cà kheo, múa lân - sư - rồng, nhạc kèn, trống hội…
Những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và ngân sách của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trùng tu 16 di tích cấp quốc gia; hướng dẫn quy trình, thủ tục tu bổ hơn 50 di tích trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Thực hiện Quyết định số 2095/QĐ-TTg ngày 2-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Dự án có diện tích 92,53ha gồm 3 hạng mục chính: khu công viên văn hóa Trần; khu trung tâm lễ hội; khu đệm, dịch vụ và hệ thống đường giao thông, hệ thống chiếu sáng với tổng mức đầu tư trên 734 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hiện nay, sau khi hoàn thành xây dựng các hạng mục giai đoạn I của dự án, Ban Quản lý dự án đang cùng đơn vị tư vấn thiết kế đã triển khai khởi công giai đoạn II từ tháng 7-2022. Dự án thành phần khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể khu di tích trong giai đoạn mới. Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành một điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá thời Trần, làm phong phú hơn các địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, phù hợp với ước nguyện của nhân dân. Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy và các vùng phụ cận có liên quan cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) tại Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 24-10-2018 trên tôn chỉ coi toàn bộ khu vực là môi trường bảo tồn và phát triển nối tiếp các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như cảnh quan sinh thái đặc sắc với những đặc trưng: Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; khu vực bảo tồn quần thể di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia và nhân loại; khu vực trọng điểm phát triển du lịch văn hóa - lễ hội - tâm linh gắn với thưởng ngoạn thắng cảnh tiêu biểu của huyện Vụ Bản nói riêng, của tỉnh Nam Định nói chung. Cùng với các khu, quần thể các di tích Đền Trần, chùa Phổ Minh, Phủ Dầy, các di tích khác mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc như: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đền Gin, Cầu Ngói - chùa Lương, Cầu Ngói - Phủ Bà, Phủ Quảng Cung, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh…; các làng nghề truyền thống như: hoa, cây cảnh Vị Khê, đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, khảm trai Ninh Xá, sơn mài Cát Đằng… cũng đã được các cấp ủy, chính quyền quy hoạch thành các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước và của tỉnh.
Trên tinh thần đổi mới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đã góp phần tôn tạo và gìn giữ bản sắc riêng của du lịch Nam Định trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Các di sản văn hóa tại Nam Định trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan thông qua các lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tại tỉnh có 236 lễ hội truyền thống; trong đó có 6 lễ hội cấp huyện, thành phố, 230 lễ hội cấp xã và 4 ngày hội văn hóa cấp huyện. Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý các lễ hội trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, Ban Quản lý các di tích triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Các lễ hội hầu hết được tổ chức tại các điểm di tích, danh thắng nên việc tổ chức tốt lễ hội vừa tạo thuận lợi cho người dân vãng cảnh, chiêm bái các công trình di tích, tham gia các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng vừa tạo điều kiện phát triển du lịch tâm linh.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa. Triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo vệ, phát huy giá trị di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” của Chính phủ cam kết với UNESCO (năm 2017), tháng 9-2022, tại Phủ Tiên Hương (Phủ Chính), Hội Bảo vệ và phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định đã tổ chức chương trình giao lưu, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về dự. Chương trình là một trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm di sản này được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình gồm các hoạt động: rước kiệu, tế Thánh, trống hội, thả đèn hoa đăng; giao lưu, trao đổi về thực hành các nghi lễ; thực hành nghi lễ hầu Thánh với các giá đồng do các thanh đồng, NNƯT là các thủ nhang, đồng đền trong và ngoài tỉnh thực hiện. Nhằm tôn vinh những nghệ nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tháng 9-2022, Chủ tịch nước đã phong tặng, truy tặng các danh hiệu NNND, NNƯT đợt 3 cho 628 nghệ nhân. Đến nay, trong tổng số 13 nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu NNND, NNƯT lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Nam Định, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng (tín ngưỡng thờ Mẫu) có 6 nghệ nhân, gồm 1 NNND và 5 NNƯT.
Nhắc tới di sản văn hóa Nam Định không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng châu thổ đồng bằng ven biển; trong đó hai món ăn “nem nắm” Giao Thuỷ và “bánh cuốn” làng Kênh được xếp vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam; 2 sản phẩm gồm: nước mắm Sa Châu và gạo Tám xoan Hải Hậu được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam và nhiều đặc sản ẩm thực khác đã được đánh giá, xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP như: bún đũa, kẹo Sìu Châu, phở bò Nam Định, bánh nhãn Hải Hậu, gạo tám Xuân Đài, cá chạch kho Nghĩa Hưng, cá nướng úp chậu Trực Ninh… Tháng 3-2022, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu tại Nam Định. Chương trình thuộc Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022-2024) với mục đích giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử của Việt Nam, trong đó có nguồn tài nguyên di sản ẩm thực phong phú, giàu tinh hoa dân tộc. Chuỗi các hoạt động của hành trình tại Nam Định gồm: tìm hiểu lịch sử các di sản, di tích và văn hóa ẩm thực trấn Sơn Nam Hạ với các món ăn dân gian vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng thông qua các hoạt động tham gia chương trình giao lưu nghệ nhân, quảng diễn một số món ăn; tham quan, trải nghiệm cách thức làm cỗ, dâng cỗ và thi cỗ tại Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực)… Hành trình cũng là tiền đề để Nam Định đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện ẩm thực Ngày của Phở năm 2022 chủ đề “Phở Việt - Tinh hoa hội tụ” trong tháng 12-2022 gồm các hoạt động: trải nghiệm chế biến và thưởng thức phở cho các phu nhân Đại sứ các nước tại Việt Nam; tour thăm làng phở cổ trăm năm - làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực); hội thảo “Phở hội tụ”; thi viết, kể chuyện về phở; cuộc thi chung kết “Đi tìm người nấu phở ngon năm 2022”…
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, Sở VH, TT và DL tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực di sản văn hoá tới các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận, xếp hạng đã được ghi danh. Huy động các nguồn lực xã hội trùng tu, tôn tạo, phục hồi các di tích có giá trị tiêu biểu, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới, tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị di sản; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản trong cộng đồng. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hoá. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ, kiểm kê di sản. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước./.
Theo namdinh.vn