Bảo tàng Quảng Ninh có thêm 4 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia
Ngày đăng: 28/12/2021
Thạp đồng Đông Sơn, thế kỷ 3-2 TCN
Ngày 25/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 Bảo vật Quốc gia đợt 10, năm 2021, trong đó có 4 hiện vật của Bảo tàng Quảng Ninh. Các Bảo vật mới này đều là các hiện vật gốc, độc bản với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, đã và đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Trong số đó, Thạp đồng Đông Sơn là một hiện vật bản sắc của văn hóa Đông Sơn, có niên đại thế kỷ 3 đến thế kỷ 2 trước Công nguyên. Thạp có những nét riêng độc đáo, đó là toàn bộ thân và nắp thạp được đúc bằng kỹ thuật dùng khuôn sáp nóng chảy - một kỹ thuật đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm lâu dài, thành thạo trong kỹ năng và chuẩn xác trong từng công đoạn. Đây cũng là thạp đầu tiên có hình tượng khỉ trên nắp với 4 khối tượng khỉ quay mặt về 4 hướng khác nhau. Các hoa văn tả thực hình người, chim, thú, sinh vật biển rất sinh động. Hình tượng các động vật biển trên thạp đã góp phần chứng minh yếu tố biển đậm nét trong văn hóa Đông Sơn...

Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần, thế kỷ 13

Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần có niên đại vào thế kỷ 13. Với đường kính hơn 1m, cao hơn 70cm và nặng tới 126kg, thống gốm hoa nâu An Sinh hiện là đồ gốm có kích thước lớn nhất trong toàn bộ hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ Việt Nam thời kỳ phong kiến. Hiện vật có hoa văn trang trí được tạo tác tỉ mỉ, nhất là hoa văn 8 con rồng, có thể nhận định đây là đồ dùng của tầng lớp quý tộc Trần, hoặc là đồ lễ khí trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình hoặc đời sống tôn giáo thời Trần.

Còn nguyên vẹn nhưng có kích thước nhỏ hơn, thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13-14) với hoa văn trang trí đặc trưng là một di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình gốm hoa nâu thời Trần.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ 13-14

Thạp có miệng loe, mép miệng nhọn, vai gãy ngang trang trí cánh sen kép đắp nổi thành dải, được khắc thủ công. Thân thạp được tạo tác nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau. Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng gốm men còn tồn tại đến ngày nay với chức năng là vật dụng tế khí trong các nghi lễ của đời sống cung đình và tín ngưỡng tôn giáo dân gian, đồng thời hàm chứa các giá trị văn hóa đương thời.

Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, có niên đại thế kỷ 15. Khác với dòng gốm này của Trung Hoa, ngoài việc sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng… thì gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng như một màu để vẽ trên men. Điều này đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao ở các khâu, để đảm bảo có một sản phẩm chất lượng cao.

Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, thế kỷ 15

Giá trị nổi bật của bình gốm thể hiện qua các đề tài và màu sắc hoa văn trang trí, trong đó, các họa tiết hoa lá, hình học làm nền tôn lên hoa văn rồng vờn ngọc báu rất độc đáo. Khác với các đồ gốm cao cấp trang trí rồng khác, rồng trang trí trên bình là rồng có 4 móng, ở đây có thể là hàm ý các sản phẩm đẳng cấp cao chỉ xếp sau những sản phẩm dành riêng cho nhà vua.

Các Bảo vật Quốc gia này, chỉ có duy nhất Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần được phát hiện ở di tích hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu, tại đền An Sinh, TX Đông Triều. Số còn lại được sưu tầm từ Dự án Sưu tầm bổ sung hiện vật phục vụ trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh, vào năm 2015 và 2018, do Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh thực hiện.

Như vậy, kể từ năm 2018 cho đến nay, Quảng Ninh đã có 13 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, trong đó Bảo tàng Quảng Ninh có 12 Bảo vật.

 

Theo baoquangninh.com.vn