“Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở thờ tự Phật giáo
Ngày đăng: 22/05/2020
Ngày 21/5, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã đến kiểm tra hành chính tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, được biết đến trên mạng xã hội với tên gọi “tịnh thất Bồng Lai”, hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Đây là nơi ông Lê Tùng Vân (89 tuổi, thường trú tại TP.HCM) về tạm trú từ hơn 6 năm trước và tổ chức cơ sở thờ tự với tên gọi "tịnh thất Bồng Lai". Tại đây đã xảy ra nhiều sự việc lùm xùm, thậm chí là xô xát, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Ngày 19/12/2019, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An, đề nghị báo cáo các vụ việc liên quan tới "tịnh thất Bồng Lai". Theo đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã phúc đáp bằng công văn số 083/CV-BTS ngày 20/12/2019, khẳng định: Tư thất Bồng Lai tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh quản lý. Các vị đang sống và sinh hoạt tại tư thất Bồng Lai không phải là tu sĩ Phật giáo. Do đó, không liên quan đến sự quản lý của Phật giáo tỉnh Long An.

Tiếp đó, Giáo hội Phật giáo cùng một số tổ chức xã hội khác đã có văn bản đến UBND huyện Đức Hòa, đề nghị làm rõ hình thức thờ tự trong cơ sở này, nhằm tránh việc ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Phật giáo.

Từ các yêu cầu này, UBND huyện Đức Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Theo ông Liêu Văn Bùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước mắt ghi nhận, kiểm tra về mặt hành chính các nhân khẩu đang sinh sống tại đây, các hình thức hoạt động thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng nếu có, để thông tin rộng rãi, chính xác đến dư luận.

Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra tạm trú, hộ khẩu, giấy phép xây dựng, đất đai, vệ sinh bếp ăn tập thể và hoạt động tôn giáo,... Qua đó, xác minh nơi đây không phải là chùa hay tịnh thất Bồng Lai vì không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng.

Đại diện UBND huyện Đức Hòa nhận định, đây chính là hiện tượng “biến gia vi tự”, với khoảng 20 người từ nhiều nơi đến sinh sống và có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ. Ngoài ra, địa điểm này thu hút nhiều người thường xuyên lui tới cúng bái, hỗ trợ từ thiện.

"Trong tuần tới, đoàn kiểm tra sẽ họp bàn, có báo cáo kết quả việc kiểm tra tại cơ sở này và có hướng xử lý, yêu cầu chủ hộ thực hiện đúng các quy định của pháp luật", ông Liêu Văn Bùng cho biết.

Một bức tượng trong khu vực. Ảnh: baolongan.vn

"Tịnh thất Bồng Lai" bắt đầu trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội khi được xem là nơi mọc lên "hoa ưu đàm" quý hiếm.

Đến năm 2017, hai "nhà sư" học trò của ông Vân cũng tạm trú tại đây tiếp tục gây xôn xao dư luận khi tham dự cuộc thi "Song ca cùng bolero".

Đến năm 2018, tịnh thất Bồng Lai lại thu hút đông đảo sự quan tâm của xã hội khi có 5 em nhỏ đang sinh sống ở đây tham dự cuộc thi "Thách thức danh hài" và thắng được giải lớn.

Sang năm 2019, một gia đình từ TP.HCM về căn hộ này để tìm con gái và đã xảy ra xô xát với những người đang tạm trú tại đây.

Từ ngày 01/01/2020, “tịnh thất Bồng Lai” được đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Trong khuôn viên nhà bà Cúc, nơi tự nhận là “tịnh thất Bồng Lai”, hiện có gian thờ Phật như một chánh điện của tự viện Phật giáo. Phần lớn những người ở đây xuống tóc, cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, rồi tự xưng là thầy, sư cô, hoà thượng, đại đức, chú tiểu… Đáng nói hơn trong nhiều clip phát tán trên mạng xã hội, những người ở “tịnh thất Bồng Lai” tự nhận, tuyên bố đây là chùa, tịnh thất thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ tổ chức sinh hoạt tôn giáo như một tự viện của Giáo hội.

Sự thật là ông Lê Tùng Vân chưa từng xuất gia, nhưng tự xưng là “Hoà thượng”, làm lễ xuất gia cho người khác, nhận tín đồ. Nhiều clip của nhóm cho thấy ông Vân được xưng tụng như vị Phật, thần thánh. Ngoài ra có những clip cho thấy ông Vân bác bỏ giáo lý nhà Phật, khuyên mọi người không tụng kinh…

Một hoạt động nơi tự xưng là "tịnh thất Bồng Lai". Ảnh: phatgiao.org.vn

 

PV t/h