Xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa
Ngày đăng: 14/09/2020


Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng mà phần quan trọng trong đó là nhờ vào những hoạt động bảo tồn.Trong số đó không thể không kể tới công tác xã hội hoá.


Từ tháng 6/2011, khi Luật Di sản văn hoá ra đời, xu hướng xã hội hoá trong việc bảo tồn di sản văn hoá ngày càng được mở rộng.Bên cạnh hệ thống bảo tàng nhà nước, các nhà sưu tập tư nhân đã tích cực bảo tồn di sản văn hoá. Tại Quảng Ninh, có người sưu tập đồ cổ đã lâu như anh Nguyễn Xuân Minh, Chủ nhiệm CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Hạ Long, chuyên "săn" những cổ vật có tính thẩm mỹ cao. Anh Nguyễn Hữu Thu (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) sưu tập gốm Chu Đậu. Anh Đoàn Văn Thắm, thành viên CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Hạ Long, đã sưu tầm được rất nhiều cổ gốm sứ, tiền giấy in hình Hạ Long từ thời Pháp thuộc, tiền giấy Cụ Hồ trong giai đoạn 1946-1953. Ông Bùi Duy Khánh, hiện sinh sống tại xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) đang sở hữu hàng trăm món đồ gốm sứ cổ, khánh đá, cồng chiêng Tây Nguyên, đồ thờ tự, sắc phong, đồ trang sức tùy táng...

Cùng các bảo tàng, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá chống xuống cấp di tích đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Công ty CP Phát triển Tùng Lâm là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đầu tư xây dựng và phát huy giá trị di tích lịch sử vào thời kỳ đầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Công ty đã triển khai dự án cáp treo góp phần tích cực vào việc tôn vinh giá trị của khu di tích và danh thắng Yên Tử.

Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử được đầu tư với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng với hàng loạt hạng mục liên hoàn: Làng hành hương tương đương 3 sao; khu chợ quê, làng nghề; đình làng và đêm diễn hội làng. Chưa hết, không gian Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử còn xây dựng những show diễn “Đêm hội làng” với các chiếu chèo cổ, các điệu múa dân gian, trống hội truyền thống, múa bài bông thời Trần, hát xẩm, hát chầu văn và hòa tấu nhạc cụ dân tộc; trải nghiệm chợ quê, trải nghiệm làng nghề truyền thống; làm nón, dệt lụa, làm chuồn chuồn tre, dịch vụ thiền trầm, thiền chuông, thiền yoga; ngắm bình minh trên đỉnh chùa Đồng.

Làng hành hương Yên Tử

Bên cạnh TP Uông Bí, TX Đông Triều cũng thu hút được nguồn lực xã hội hoá khá lớn để thực hiện trùng tu, tôn tạo hệ thống các di tích. Mỗi năm, hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp đình, đền, chùa, danh lam thắng cảnh. Có công trình đã huy động được 100% vốn đầu tư từ nguồn xã hội hoá, như Chùa Đông Khê (xã Việt Dân) 25 tỷ đồng, chùa Phúc Nghiêm (phường Xuân Sơn) 17 tỷ đồng, cụm di tích khu mỏ Mạo Khê 58,81 tỷ đồng; kè bậc đá tuyến đường lên chùa Ngoạ Vân 5 tỷ đồng.

Một số dự án về hạ tầng giao thông kết nối các điểm di tích cũng được đầu tư từ nguồn xã hội hóa như: Tuyến đường từ hồ Trại Lốc vào chùa Ngoạ Vân với tổng kinh phí 45 tỷ đồng, đường kết nối di tích - danh thắng Yên Tử với di tích nhà Trần tại Đông Triều được nhiều hộ dân hiến đất, công đức tài sản trên đất.

Đặc biệt, tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hoá Ngoạ Vân - Hồ Thiên đã được Công ty TNHH Cáp treo Tâm Đức đầu tư, đưa vào khai thác. Sau đó, Công ty cùng đơn vị tư vấn là Công ty Raymond - Nhật Bản đã báo cáo ý tưởng điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa Ngọa Vân – Hồ Thiên (TX Đông Triều). Mục tiêu của dự án là phác họa gốc tích và phát triển những di tích mang đậm giá trị lịch sử, tâm linh và văn hóa dân tộc của thời Trần, hỗ trợ phát huy giá trị di tích, mở rộng các ga cáp treo và các điểm di tích; xây dựng làng nông nghiệp sản xuất truyền thống, làng thiền, viện Phật giáo, khu khám chữa bệnh thuốc Nam, bảo tàng Trần Nhân Tông, chùa Vàng.

Lễ khánh thành Đền liệt sĩ Vũng Đục.

 

Cũng tại TX Đông Triều, khu du lịch Quảng Ninh Gate do Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư đã xây dựng một không gian làng quê thanh bình, có cây đa, giếng nước, cổng làng, chợ quê, hệ thống kiến trúc nhà truyền thống Bắc Bộ, làng chài, tập quán sản xuất và văn hóa ẩm thực của các dân tộc. Một mô hình khác tại TX Đông Triều đã phát huy hiệu quả là du lịch làng quê Yên Đức do Công ty CP Du thuyền Đông Dương đầu tư. Khu du lịch làng quê đem lại cho du khách những trải nghiệm văn hóa bản địa, cấy lúa, xay thóc, giã gạo, trồng rau, bắt cá, hát chèo bằng tiếng Việt, xem múa rối nước, nghe hát dân ca, tham quan chợ quê, nhà cổ, thưởng thức các món ăn địa phương.

Tại TP Cẩm Phả, Công ty TNHH Đức Ngọc đã tôn tạo, mở rộng đường lên, xây thêm lan can, chỉnh trang lại 2 bức phù điêu tượng đài liệt sĩ Vũng Đục; xây dựng Đền liệt sĩ Vũng Đục. Cách đó không xa là Công viên Cao Sơn lưu thủy của Công ty CP Than Cao Sơn - TKV được thiết kế theo mô hình một công viên văn hóa với một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa truyền thống Phật giáo. 

Nguồn: baoquangninh.com.vn