Việt Nam ưu tiên thúc đẩy quyền con người của nhóm yếu thế
Ngày đăng: 24/07/2020
Đó là khẳng định có cơ sở thực tế của đoàn Việt Nam tại khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa được tổ chức tại Geneva.

Việt Nam cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, dành ưu tiên cho các nhóm người yếu thế trong xã hội và tiếp tục nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch, hướng tới thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Đó là khẳng định có cơ sở thực tế của đoàn Việt Nam tại khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa được tổ chức tại Geneva.

Tại các phiên thảo luận của Hội đồng nhân quyền về tác động của đại dịch Covid và tình trạng biến đổi khí hậu đối với một số nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, đoàn Việt Nam khẳng định Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách và đạt được nhiều kết quả thực tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội, đúng như cam kết của Việt Nam trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến tất cả người dân trên toàn cầu, trong đó người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nhóm bị tổn thương nhiều nhất. Việt Nam, quốc gia thành viên của 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm cân đối giữa việc  thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng chống COVID-19 và tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý của mình theo quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp, pháp luật quốc gia.Đảm bảo quyền con người trong đại dịch COVID-19

Có thể kể đến một số kết quả cụ thể về bảo đảm quyền con người trong ứng phó với COVID-19 của Việt Nam. Đó là, Việt Nam đã huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của người dân trong tình huống y tế khẩn cấp như: kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, khai báo y tế, cách ly toàn xã hội, xử lý nguồn lây bệnh, ổ dịch, quản lý lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế, quản lý nguy cơ lây nhiễm ở các nhóm nguy cơ cao và trường hợp cần cách ly. Chính phủ cũng thực hiện quyết liệt việc bảo đảm để mọi người dân đều được tiếp cận với các cơ sở, dịch vụ y tế và vật tư y khi tình huống y tế khẩn cấp xảy ra và đảm bảo việc tiếp cận khám và điều trị miễn phí COVID-19 cho tất cả bệnh nhân.

 

Phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva ngày 30/6. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Hơn tất cả, người dân Việt Nam được quyền tiếp cận nguồn thông tin chính thống của Chính phủ, Bộ Y tế trong dịch bệnh COVID-19. Người dân được cung cấp đầy đủ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, thông tin về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, kể cả qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Việt Nam cũng triển khai các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến, khuyến cáo của chuyên gia, các bộ ngành và người dân về các  đề xuất, sáng kiến phòng ngừa dịch bệnh.

Chính phủ cũng khẩn trương đưa cổng thông tin điện tử quốc gia tích hợp các dịch vụ công ở mức độ 3, mức độ 4 vào hoạt động, giúp người dân đảm bảo hoạt động xã hội trong điều kiện phải cách ly vì dịch bệnh. Minh bạch thông tin, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến là biểu hiện rõ ràng và thực tế nhất về việc đảm bảo quyền của người dân Việt Nam trong đại dịch COVID-19.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Bên cạnh các biện pháp y tế công về phòng, chống dịch, Việt Nam đã thông qua và thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đặc biệt đối với một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Theo đó, một số nhóm có thể phải chịu rủi ro nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn như: người cao tuổi, người có bệnh mãn tính tim mạch, huyết áp, hen, tiểu đường... được bảo vệ và hỗ trợ để phòng ngừa y tế tốt hơn. Biện pháp giãn cách xã hội, cách ly và phong toả để phòng ngừa bệnh dịch cũng được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt đối với một nhóm xã hội như trẻ em, người lao động mất việc làm; phụ nữ; người khuyết tật; các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

Song song với các ứng phó về y tế, Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD). Khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng, đặc biệt là các nhóm yếu thế với hàng trăm nghìn người như người già, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người không có thu nhập ổn định, người lao động đứt bữa được hưởng gói hỗ trợ thiết thực này.

Đại dịch COVID-19 không chỉ là phép thử đối với hệ thống y tế của mỗi quốc gia mà rộng hơn nữa đó cũng chính là phép thử với các hệ tư tưởng, giá trị và thể chế mà quốc gia đó theo đuổi. Việt Nam đã có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng, đặc biệt quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Đây là những minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền con người.

https://vovworld.vn/ Thu Hoa