Vàng mã, cúng lễ phô trương mùa Vu lan giảm mạnh
Ngày đăng: 07/09/2020


Một mùa lễ Vu lan đã khép lại, nhưng dư âm về những thay đổi của một mùa báo hiếu đặc biệt diễn ra giữa thời dịch Covid-19, với nhiều thay đổi vẫn còn đọng lại. Hơn thế, những đổi thay đó cũng khơi gợi nhiều suy ngẫm về văn hóa ứng xử của con cái với cha mẹ, tổ tiên. Báo hiếu xuất phát từ tấm lòng thành kính chứ không phải những đàn lễ ngút ngàn vàng mã, mâm cao cỗ đầy.



 


Tại chùa Quán Sứ, cổng chính nhà chùa vẫn đóng, chỉ mở một cửa nhỏ để phật tử vào lễ. Ông Nguyễn Khang (Đống Đa, Hà Nội) hằng năm vẫn thường đến cúng lễ nhân dịp rằm tháng Bảy tại chùa Phúc Khánh, cho biết năm nay khi đến chùa, ông chứng kiến một khung cảnh vắng vẻ chưa từng thấy ở những mùa lễ Vu lan trước. Cổng chính và cổng phụ chùa đều đóng, bên ngoài có dán thông báo về lễ Vu lan trực tuyến. Thông báo dán trước cổng chùa Phúc Khánh ghi: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhà chùa sẽ làm lễ Vu lan báo hiếu - phả độ gia tiên trực tuyến (Facebook: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội). Vì vậy, mong quý phật tử hoan hỷ không đến chùa”.

“Sau khi hỏi han kỹ lưỡng, tôi được biết năm nay ở chùa Phúc Khánh không tập trung đông người, thay vì đến lễ trực tiếp tại chùa, mọi người có thể xem trực tuyến Đại lễ Vu lan do nhà chùa thực hiện trên mạng. Đây là một thay đổi đặc biệt diễn ra trong bối cảnh chưa từng có. Tôi và nhiều người dân khác ra về và nhờ con cháu mở mạng để xem Đại lễ trực tuyến”, ông Khang chia sẻ. Theo Đại đức Thích Minh Đức, trụ trì chùa Phúc Khánh, Đại lễ Vu lan trực tuyến tại chùa Phúc Khánh được thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà chùa khuyến cáo bà con không nên đến chùa để giữ gìn sức khoẻ trong mùa dịch. Với tinh thần từ bi của nhà Phật, các sư hằng ngày thực hiện nghi lễ tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu cho hương linh các anh hùng liệt sĩ, chư Tổ, thập loại chúng sinh.

Nhớ lại những mùa Vu lan trước, với hình ảnh hàng ngàn người ngồi tràn lan ngoài lòng đường, vỉa hè và trên cầu vượt Ngã Tư Sở bao quanh chùa, mới thấy không gian ở chùa Phúc Khánh mùa Vu lan năm nay thông thoáng, thay đổi lớn đến thế nào. Chỉ một số phật tử, tình nguyện viên được phép có mặt trong đại lễ. Không chỉ tại chùa Phúc Khánh, nhiều ngôi chùa khác thực hiện công văn hướng dẫn của Giáo hội đều tuân thủ và tổ chức các khóa lễ Vu lan trực tuyến. Tại chùa Quán Sứ, cổng chính nhà chùa cũng đóng. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn mở một cửa nhỏ để phật tử vào lễ. Theo ghi nhận, lượng người đến dâng hương năm nay vắng hơn nhiều so với mọi năm bởi năm nay, chùa Quán Sứ cũng tổ chức các khóa lễ trực tuyến. Tại Phủ Tây Hồ, số lượng người đến lễ cũng khá vắng vẻ. Trong khuôn viên, lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, rửa tay để phòng chống dịch.

Dù trực tuyến hay trực tiếp tới cửa Phật hành lễ, các vị cao tăng đều răn dạy phật tử rằng lòng thành kính cốt ở cái tâm. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết, lần đầu tiên, trong thời gian an cư kết hạ, trong ngày Tự tứ (rằm tháng Bảy) tất cả tăng, ni đều tuân thủ “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Theo Thượng tọa, Hội đồng điều hành của Học viện căn cứ tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của Giáo hội để thực hiện nghiêm yêu cầu cấm túc tại chỗ, vừa đảm bảo an toàn, để tăng, ni sinh yên tâm tu học và thiền định, chuẩn bị cho khai giảng trong tuần tới. Bởi vậy, đây là nỗ lực hi sinh của các tăng, ni sinh…

Một trong những nhức nhối mỗi mùa Vu lan còn là tình trạng sử dụng quá nhiều vàng mã, đồ mã để cúng lễ. Nhưng ở mùa Vu lan báo hiếu năm nay, tình trạng này đã giảm mạnh. Mọi năm, những “thủ phủ” vàng mã như làng Cót (Cầu Giấy), Thường Tín (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh) thường xuyên nhộn nhịp thương lái mua bán. Thế nhưng, năm nay hoàn toàn ngược lại và có thể tựu trung bằng hai từ “ế ẩm”. Các chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, từ năm ngoái, lượng tiêu thụ sản phẩm vàng mã đã giảm và đến năm nay lại càng giảm mạnh do tâm lý người dân thay đổi, cùng với những tác động của đại dịch. “Cũng lác đác khách mua, nhưng người ta chỉ mua đơn giản vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng, không có người mua những đàn lễ lớn...”, một người kinh doanh trên phố Hàng Mã cho hay.

Nói về tinh thần báo hiếu, báo ân trong đạo Phật, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết, có tình trạng một số người ưa cúng lễ mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại hắt hủi cha mẹ và ông bà còn sống, thậm chí có trường hợp ngược đãi cả cha mẹ. Theo Thượng tọa, đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân, báo hiếu của Đức Phật. Kinh Phật dạy “dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục. Đó chính là thực hiện trọn vẹn tinh thần báo ân - báo hiếu bởi tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Thay đổi quan điểm về sử dụng và đốt vàng mã, anh Nguyễn Văn Phước (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, những năm trước đây gia đình anh cũng mua nhiều đồ vàng mã lớn để cúng lễ. Năm nay, theo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vợ chồng anh quyết định chỉ sử dụng chút vàng mã mang ý nghĩa tượng trưng. Bởi lòng thành kính không thể hiện ở mâm cao cỗ đầy hay đồ mã ngút ngàn.

Cũng liên quan đến việc đốt vàng mã, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, câu chuyện đốt vàng mã luôn được quan tâm mỗi dịp lễ tết, rằm tháng Bảy. Sau hai năm Giáo hội ra công văn yêu cầu các chùa của Giáo hội không thực hiện đốt vàng mã, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo baovanhoa