Tuyên Quang: Tam Cờ - Phố của đền đài, miếu mạo
Ngày đăng: 13/08/2020Phố Tam Cờ có tên từ cuối đời nhà Lê, đó là tên của một ngã ba nơi con sông Lô và sông Gầm hoặc là Gâm gặp nhau, để hòa thành một dòng Lô chảy xuôi về thị xã. Tên của ngã ba hai con sông Lô - Gâm gặp nhau ở cửa sông ấy, viết bằng chữ Hán, dịch là Ba Chẽ, hoặc là Tam Kỳ hay Tam Cờ. Đến đầu nhà Nguyễn, Tam Cờ được đặt tên cho phố, có lúc nó được đặt tên cho cả cái thị xã nhỏ vùng sơn cước này.
Phố Tam Cờ trong bài viết này được tính từ năm 1955 trở về trước, vì sau năm 1955, Tam Cờ tách ra làm hai phố; phố dưới tính từ cầu Chả trở lên đến đầu Nhà Đoan (đầu Mậu dịch) vốn là phố dưới giữ nguyên tên là Tam Cờ; phố trên tính từ đầu Nhà Đoan đến đầu phố Xuân Hòa, chỗ ngã ba Quảng Tường gọi là phố Quang Trung.
Phố Tam Cờ cũ từ Cầu Chả lên đến ngã ba Quảng Tường, người ta đã thấy có 7 nơi có đền đài, miếu mạo, làm cho phố trở thành một khu phố cổ kính, sầm uất nhất thị xã thời xưa vắng.
Đền Thiềm Cung:
Qua Cầu Chả chừng mươi lăm thước, rẽ phải theo đường ra bến Gốc Sung ở bờ sông Lô, tới đầu xóm Tân Long, xóm chuyên trồng rau của phố Tam Cờ ta sẽ được nghe người già ở đây kể lại, xưa đất này có một ngôi đền nguy nga lắm, có đầy đủ bia đá và sắc phong từ các triều đại trước sắc cho thờ cúng. Đền đó có tên là Thiềm Cung, đền thờ Công chúa Quế Hoa con gái của Vua Hùng Định Vương, tên húy là Hùng Định thuộc đời Hùng Vương thứ 8. Đền đã bị phá từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng Sắc phong của vua Khải Định cấp cho đền Thiềm Cung vào năm thứ 9 (1924) còn đó, sắc viết rằng:
“Sắc Tuyên Quang tỉnh, Yên Sơn huyện, Tam Kỳ phố phụng sự Quế Hoa công chúa, hiển linh tôn thần, hộ quốc tý dân, nhẫm trứ linh ứng, Tứ kim chính trực, Trẫm tứ câu đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ phong vị trang huy dực bảo trung hưng, thượng đẳng thần, chuẩn kỳ phụng sự thần, kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân khâm tai”.
Dịch nghĩa:
“Sắc ban cho phố Tam Kỳ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang phụng sự Quế Hoa công chúa, là vị thần linh thiêng, giúp nước trợ dân, tỏ rõ linh ứng. Nay nhân ngày đại khánh tiết, trẫm ban chiếu báu, vào ngày lễ long đăng trật sắc phong cho thần là “Trang huy - Dực bảo trang hưng - Thượng đẳng thần. Vẫn theo lệ trước cho phép được phụng thờ như cũ. Thần sẽ giúp đỡ và che chở cho muôn dân của ta”.
Chính sử ghi lại rằng, năm 1884, khi giặc Pháp đánh lên Tuyên Quang, liên quân Thanh - Việt do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đã kiến nghị với triều đình nhà Nguyễn cho tiêu thổ kháng chiến, không cho giặc Pháp có chỗ trú quân. Quan trấn thủ Tuyên Quang đã ra lệnh cho dân trong tỉnh lỵ phá bỏ nhà đi lánh nạn, dân ở quanh lỵ sở Tuyên Quang bỏ chạy đi nhiều nơi, có nhà chạy lên Hàm Yên, Vĩnh Tuy, có nhà chạy lên Hà Giang... rồi ở hẳn đó không về nữa. Nhà dân bị phá nhưng ngôi đền Thiềm Cung này không bị phá bỏ. Khi Pháp vào được Tuyên Quang tuy bị trả giá rất đắt, song họ cũng không dám phá ngôi đền thờ Mẫu Quế Hoa công chúa này.
Năm 1947, chuẩn bị cho chiến dịch Thu - Đông, để ngăn chặn đường tiến quân của quân đội Pháp vào khu căn cứ địa cách mạng, theo lệnh tiêu thổ kháng chiến tự vệ thành Tuyên Quang đã phá ngôi đền này. Nhiều đồ thờ tự được mang đi gửi, một số gửi ở Miếu nhà cụ Ký Bô, một số mang đi đâu không rõ. Sau năm 1947, khi Pháp dùng máy bay ném bom đánh phá Cầu Chả, hòng cắt đứt đường vận chuyển của ta, các đồ thờ cúng của đền Thiềm Cung đang gửi ở miếu cụ Ký Bô (sau dân gọi là đền Bà Mực) đã được đem xuống thuyền ngược dòng Lô lên cây 21 thuộc xã Đức Ninh để gửi. Sau hòa bình, các đồ thờ tự này lại được đem về miếu nhà cụ Ký Bô, sau đó người ta lại mang lên Đền Hạ và đi gửi những đâu nữa, không ai biết.
Ngày nay đền Thiềm cung đã được dựng lại, nhưng nó không được dựng trên nền đất cũ ở bên đầu cầu Chả, mà nó được xây kẹp giữa đền Hạ và đền Kiếp bạc, nằm ngay trong vành đai bảo vệ số 1 của Đền Hạ, một di tích lịch sử cấp quốc gia đã được Bộ Văn Hóa cấp bằng công nhận, tạo nên phố Ba Đền
Nguồn: Báo Tuyên Quang