Tượng thần Shiva - bảo vật quốc gia ở Quảng Nam
Ngày đăng: 23/07/2020Đầu tượng thần Shiva, một cổ vật thuộc nền văn minh Chăm Pa rực rỡ trên vùng đất Quảng Nam, được đánh giá là cực kỳ quý hiếm đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.
Theo hồ sơ khoa học, đầu tượng thần Shiva được tìm thấy vào ngày 23-7-1997. Cụ thể, trong khi đào tìm phế liệu, anh Nguyễn Văn Nông, ở thôn Phú Long, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã phát hiện được một đầu tượng bằng vàng.
Qua giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là một tác phẩm với nghệ thuật chế tác độc đáo có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X. Đầu tượng cao 24cm, bề ngang chỗ rộng nhất là 11,3cm, trọng lượng nặng 0,58kg. Đầu tóc Shiva được kết thành nhiều lọn nhỏ, cuộn thành một búi tóc với 3 chuỗi tóc tết nằm ngang siết chặt, chóp tóc tách thành 4 múi lật về phía sau. Phần chóp tóc được chế tác rời, sau đó, gắn vào đỉnh đầu bằng các đường chẻ lật vào bên trong đầu. Trên trán nổi rõ những đường cong chân tóc và những đường song song của các chuỗi tóc tết.
Phần đầu tượng thần Shiva vươn về phía trước, cổ cao và hằn rõ ba ngấn, cong về phía sau, phần cuối cổ loe ra, tạo thành một vành rộng, trên vành có 4 lỗ hình chữ nhật (7mm x 4mm), có lẽ để gắn đầu tượng vào một vật khác. Hai mắt thần Shiva hình khuy áo, giữa trán thần Shiva có con mắt thứ ba, cả ba con mắt đều thể hiện con ngươi và đồng tử rõ ràng, hai hàng lông mày mỏng giao nhau ở giữa trán. Mũi thẳng và cao, cánh mũi hẹp, hàng ria mép rậm, hơi vểnh lên ở đầu mút. Miệng thần mỉm cười, đôi môi mỏng. Hai tai có xâu lỗ thành một đường rãnh, có lẽ để đeo một khuyên tai lớn như trên các pho tượng Chăm thường thấy.
Trên cổ tượng thần Shiva có một lớp phủ màu cánh gián, đây là một lớp màu phủ bên ngoài chứ không phải lớp phong hóa. Đầu tượng thần Shiva được chế tác rỗng, bên trong có những vết nổi rất rõ, tương ứng với các đường chạm lõm bên ngoài, cho thấy đầu tượng thần Shiva được chế tác bằng phương pháp gò hàn. Những chi tiết trên gương mặt thần Shiva được thể hiện rất tinh tế, chứng tỏ xưa kia người Chăm đã đạt được một trình độ khá cao trong nghệ thuật kim hoàn. Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi được biết đến trong nghệ thuật Chăm.
Theo các nhà nghiên cứu, trong văn hóa Ấn Độ giáo, ba vị thần chính gồm: Shiva - vị thần hủy diệt và tái tạo, được xem là đấng toàn năng (Isvara); Brahma - vị thần sáng tạo; Vishnu - thần bảo tồn. Khi văn hóa Ấn Độ giáo du nhập vào Chăm Pa, thần Shiva được người Chăm suy tôn là "thần của các vị thần", là "chúa tể của muôn loài". Vào thế kỷ thứ IV, Vua Bhadresvara 1 của Chăm Pa đã cho lập Thánh địa Mỹ Sơn (nay là Khu đền tháp Mỹ Sơn) để thờ thần Shiva.
Ngoài các bia ký, những minh văn bằng tiếng Phạn được khắc trên một số linga-kosa trong thánh địa Mỹ Sơn đã tôn thần Siva là "cội rễ của nước Chăm Pa. Theo nhiều tư liệu, những hiện vật được phát hiện từ trước đến nay liên quan đến lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Chăm Pa chứng tỏ rằng, chỉ duy nhất tượng thần Shiva được làm bằng vàng, đây là những món quà quan trọng nhất, quý giá nhất mà các vị vua Chăm Pa dâng lên thần Shiva. Đồng thời, đây còn là vật biểu thị sự kết hợp giữa thần quyền và vương quyền. Hoàng gia Chăm Pa tin tưởng rằng, việc tạo nên những linga-kosa quý giá bao bọc cho các linga, thường làm bằng sa thạch sẽ thúc đẩy khả năng bảo vệ vương quốc và hoàng gia khỏi mọi điều bất trắc. Cũng có tài liệu cho rằng, việc thờ linga bằng vàng sẽ đảm bảo sự thịnh vượng cho vương quốc, cũng như khả năng mở rộng lãnh thổ.
Ở Việt Nam hiện nay, chỉ còn giữ được 2 đầu tượng Shiva bằng vàng (hoặc hợp kim vàng) có gốc gác từ những linga-kosa. Đầu tượng Shiva thứ nhất được phát hiện từ đầu thế kỷ XX tại di tích Hương Đình (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội. Đầu tượng Shiva thứ hai do anh Nguyễn Văn Nông phát hiện tại thôn Phú Long (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1997, đang được bảo quản rất cẩn mật tại Bảo tàng Quảng Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, trong văn hóa Chăm Pa ngày xưa, đầu tượng Shiva là một bộ phận bị tách rời từ những linga-kosa của Chăm Pa. Đầu tượng Shiva hay còn gọi là Kosa là một lớp vỏ bọc bằng kim loại, thường là vàng hoặc bạc, dùng để bao bọc phần trên cùng của ngẫu tượng linga (hiện thân của thần Shiva) thờ trong các tháp Chăm. Kosa với ý nghĩa là “vỏ bọc hoặc vật chứa một thứ quý giá”, tức là các linga được thờ cúng trong các ngôi đền. Người Chăm tôn Shiva làm vị thần tối cao, họ thường thờ cả ba vị thần dưới hình thức một trụ Linga - biểu tượng cho năng lực sáng tạo...
Vào những dịp lễ trọng đại, người Chăm sẽ mở kosa để tiến hành nghi lễ tẩy rửa linga. Nghi thức này bắt nguồn từ các nghi lễ của phái Saivite, một hệ phái của Ấn Độ giáo tôn thờ thần Shiva, vị thần Hủy diệt và Tái tạo.
Qua các đặc điểm về biểu tượng học, đối sánh với những pho tượng Shiva đã xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc Chăm thì đầu tượng Shiva được tìm thấy ở thôn Phú Long có những nét và điểm tương đồng tương đồng với pho tượng Shiva trong tháp C1 của Mỹ Sơn, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.
Đầu tượng thần Shiva là một trong hai cổ vật cùng với Ekamukhalinga thuộc nền văn minh Chăm Pa được được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 1-2015. Hiện tại, đầu tượng thần Shiva đã được làm thêm một phiên bản và đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam để phục vụ cho nghiên cứu và tham quan của du khách. Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi được biết đến trong nghệ thuật Chăm.
Theo baomoi.com