Trách nhiệm xã hội của Phật giáo
Ngày đăng: 07/02/2020Là tôn giáo có tầm ảnh hưởng đối với xã hội loài người, Phật giáo với hệ thống giáo lý, triết học, văn hóa đã cống hiến cho xã hội những giá trị không thể phủ nhận. Trong xã hội đó, Đức Phật nêu cao giá trị làm người và xây dựng hạnh phúc nhân gian. Trong mối tương quan duyên khởi của cộng đồng xã hội, mỗi người đều có giá trị hiện hữu bình đẳng và ai cũng muốn đảm bảo sự sống, tránh khổ đau và mưu cầu hạnh phúc, xây dựng xã hội thịnh vượng.
Đây là thời điểm mà Phật giáo cần phát huy vai trò quan trọng đối với trách nhiệm xã hội. Để thực hiện tốt trách nhiệm này. Phật giáo cần có lối điều chỉnh hướng phát triển, thông qua các kênh để giáo lý Phật giáo thật sự đi vào xã hội, xây dựng nếp sống đạo đức, giúp con người khai mở nguồn sáng tạo trong việc xây dựng văn hóa trí tuệ, hướng tới một nền "kinh tế hạnh phúc".
Hướng tầm nhìn qua khu vực Nam Á, mô hình Tổng hạnh phúc quốc gia của Vương quốc Bhutan thể hiện trách nhiệm xã hội Phật giáo rõ nét. Mô hình ấy do cựu Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck đề xuất xây dựng để đo lường nếp sống người dân qua bốn trụ cột: phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa và quản trị tốt. Đây là cách tiếp cận toàn diện và bền vững cho sự phát triển cân đối giữa vật chất và các giá trị phi vật chất với niềm xác tín con người muốn tìm kiếm hạnh phúc thật sự. Mục tiêu của mô hình nhằm đạt được sự phát triển hài hòa trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống xã hội, định hướng được cách phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài và hiệu quả.
Với Việt Nam, trách nhiệm xã hội Phật giáo thể hiện qua những đóng góp xây dựng an sinh xã hội bền vững trong thời hội nhập qua hoạt động từ thiện, công tác xã hội. Tăng, ni, Phật tử đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, ủng hộ tuyến đầu Tổ quốc, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, quỹ khuyến học, quỹ hội người mù, quỹ bảo trợ người cao tuổi, quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo, xây dựng cầu đường, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng xe đạp, xe lăn, áo quần, thuốc men, trại tâm thần, nhà dưỡng lão và nhiều công tác từ thiện khác...
Như vậy, Phật giáo quan niệm cuộc đời là khổ, mục đích căn bản của giáo lý nhằm giải thoát con người khỏi khổ, nhưng không có nghĩa là xuất thế lánh đời mà trong bản thân giáo lý và hoạt động luôn mang ý thức về cộng đồng với tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả; hành động vì lợi ích người khác và lợi ích chung. Giáo lý Phật giáo hướng đến giải thoát sinh tử. Giải thoát chính là sự hoàn thành đầy đủ, tận tâm tận lực thực hiện mọi nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong xã hội, chứ không phải là trốn tránh. Cho nên, hai mệnh đề "hoằng dương Phật pháp" và "lợi lạc quần sinh" gắn liền với nhau trong giáo lý Phật giáo.
Do đó, trách nhiệm xã hội Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức, luôn xả thân và quan tâm tới người khác. Phật giáo luôn kêu gọi bình đẳng giữa người với người, thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội. Chủ trương chúng sinh bình đẳng là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo. Do đó, trong quá trình thực hiện công tác bảo trợ xã hội nói riêng và công tác an sinh xã hội nói chung, Phật giáo không ngừng tuyên truyền nâng cao đạo đức qua những phương thức khác nhau, là hoạt động từ thiện, tham gia tích cực vào công tác xã hội, vào sự nghiệp giáo dục, chăm sóc y tế, tích cực bảo vệ môi trường sinh thái...
Quan niệm về trách nhiệm xã hội Phật giáo còn thể hiện qua tình cảm, sự quan hoài đối với xã hội và nhân sinh. "Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi" là ý nguyện độ những người không có duyên chính là thể hiện tình cảm vô điều kiện, không phải vì thỏa mãn cái tôi mà thuần túy là hành động thiện tự nhiên. Có được động lực như vậy mới "đồng thể đại bi", xem người khác như chính bản thân; cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác trên cơ sở bình đẳng, không vụ lợi.
Đức Phật dạy bất cứ một xã hội nào, con người không thể tách xa cuộc sống, và luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng con người đến một lối sống lành mạnh, đạo đức. Đặc biệt, giáo nghĩa Lục độ - nền tảng xây dựng Bồ tát đạo - lấy việc cứu độ chúng sinh làm bản hạnh nguyện để qua đó tu tập và khai mở tâm từ bi, đồng thời phát huy diệu dụng của trí tuệ Bát nhã để thành tựu mục đích tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Do đó, Đức Phật dạy nên quan tâm đến mọi sinh hoạt của người dân bằng tấm lòng từ bi và sẵn sàng giúp đỡ trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần. Đạo Phật luôn chú trọng "tài pháp nhị thí" nên bên cạnh đó, luôn tổ chức các khóa tu niệm Phật, khóa tu Bát quan trai để nêu cao tinh thần rèn luyện tâm tư, chuyển hóa nghiệp duyên xấu trong quá khứ để tạo nếp sống an lành trong hiện tại và tương lai.
Tóm lại, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang tạo ra những biến chuyển quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phật giáo cần thể hiện hơn nữa trách nhiệm xã hội để góp phần xây dựng xã hội bền vững trước những thay đổi thích ứng với yêu cầu của thời đại; góp phần phát triển đất nước và nhân loại trong các mối tương quan tương duyên giữa con người với mọi duyên liên quan để tồn tại; không những cho cuộc sống bây giờ mà còn đảm bảo cho thế hệ tương lai và luôn hướng đến nếp sống nhân sinh an lạc./.
Đại đức Thích Thông Đạo, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo TP. Đà Nẵng
Nguồn: cand.com.vn