Tín ngưỡng thờ vua Hùng: Sợi dây gắn kết đồng bào
Ngày đăng: 03/04/2020Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, truyền thống hướng về cội nguồn luôn được người Việt lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ, cùng nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, nhớ về các vị tiền tổ đã gây dựng đất nước.
Theo số liệu thống kê tính đến năm 2012, thời điểm Phú Thọ đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đã được thực hiện ở 1.417 điểm thờ cúng vua Hùng trong cả nước. Chỉ riêng ở Phú Thọ (tại thời điểm năm 2012) đã có tới 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan thời đại Hùng Vương trải rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này khác biệt với ở những quốc gia khác, khi việc thờ tự nhân vật khai sáng cho quốc gia, dân tộc thường chỉ tập trung tại một địa điểm cụ thể nào đó.
Và cũng chỉ có ở Việt Nam, thờ vua Hùng mới trở thành một tín ngưỡng với sự tham gia của cả dân tộc. Vào ngày Giỗ Tổ hằng năm, không chỉ đi hành hương về Phú Thọ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng dựng nước tại đền Hùng, mà trong mỗi gia đình, ở mỗi nơi thờ tự của địa phương, từng làng, từng huyện, người dân đều dâng hương và dâng lễ vật với tất cả tấm lòng thành kính của mình.
Như GS Nguyễn Chí Bền từng nói: “Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam”. Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng gắn với truyền thuyết về Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, năm mươi người con theo cha lên rừng, năm mươi người con theo mẹ xuống biển, từ đó sinh ra từ “đồng bào” để nói về truyền thuyết cùng sinh ra từ một bọc trứng này. Và từ “đồng bào” cũng đã theo lịch sử tồn tại và vẫn được sử dụng trong thời kỳ hiện đại này. Điều đó cũng chứng minh sợi dây lịch sử nối liền từ quá khứ đến hiện tại từ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng có sức sống vô cùng bền bỉ, đến nay vẫn được người Việt Nam lưu giữ và tiếp tục nối truyền tới các thế hệ sau.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng là mối liên kết mạnh mẽ dân tộc Việt trước những thử thách của cả thiên nhiên và con người. Lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt trải qua nhiều thăng trầm, đến từ nạn ngoại xâm, cũng như thiên tai, thời tiết. Điều này đòi hỏi cộng đồng cư dân luôn phải liên kết lại, điều đó tạo nên sức sống bền bỉ cho dân tộc, và cũng giữ cho sợi dây liên kết quá khứ và hiện tại được gìn giữ và lưu truyền.
Không chỉ vậy, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng còn gắn với rất nhiều phong tục tập quán…, trong đó có các tục thờ thần cây, thần núi, thờ lúa…, tạo môi trường cho tín ngưỡng thờ vua Hùng được gìn giữ và lưu truyền. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các trò diễn như múa “tùng dí”, rước ông Khiu, bà Khiu, tế nõ nường... các lễ hội Rước vua về làng ăn tết, Rước chúa gái, lễ hội Vua Hùng dạy dân trồng lúa, lễ hội hát Xoan... thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng ở Phú Thọ.
Chính vì thế, như cố GS Phan Huy Lê từng nói, Hùng Vương ở đây không còn chỉ là một ông vua dựng nước chung chung nữa, mà đã trở thành biểu tượng của cội nguồn dân tộc, của sự đoàn kết của người Việt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Và với những ý nghĩa đặc biệt này, ngày 6-12-2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
Theo Báo Nhân Dân điện tử