Tiềm năng, phát triển bền vững tại Khu du lịch Tâm linh – Sinh thái Tây Yên Tử
Ngày đăng: 16/01/2018Qua bản đồ địa hình Việt Nam, ta thấy dãy núi Yên Tử “ôm” gọn vùng Đông Bắc, sườn phía Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn phía Tây thuộc các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Theo truyền thuyết, khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử xuất gia, tu hành đắc đạo, mỗi lần về điều hành công việc phật sự ở Bắc Giang, Ngài đi theo con đường phía Tây Yên Tử. Vì vậy, Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Qua đó, với đặc thù địa hình ôm trọn khu vực phía Tây Yên Tử, Bắc Giang đang có nhiều tiềm năng, phát triển bền vững tại Khu du lịch Tâm linh – Sinh thái Tây Yên Tử.
Tiềm năng phát triển du lịch
Nhận thấy rõ tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bắc Giang đã quyết tâm biến Tây Yên Tử thành một điểm tham quan trọng điểm. Theo quy hoạch, khu vực tâm linh Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang được thực hiện gọn trong không gian khu vực Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, nằm kế ngay sau Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh. Có 4 khu vực sẽ được quy hoạch xung quanh 4 chùa (chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng) là Cổng Khu Tây Yên Tử, làng chào đón Tây Yên Tử, Khu Hiên Tây Yên Tử và Đình Tây Yên Tử. Các điểm chùa có độ cao từ 145 m đến điểm cao nhất gần 1.000 m so với mặt nước biển, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. Trong đó, hệ thống cáp treo có ga cuối cùng ở trên đỉnh Yên Tử, cách chùa Đồng khoảng 700 m.
Đường vào Khu du lịch Tây Yên Tử
Khu du lịch Tâm linh – Sinh thái Tây Yên Tử, Bắc Giang sau khi hoàn thành sẽ có nhiều điểm khác biệt với Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử; ngoài những hoạt động tâm linh như lễ chùa, du khách còn có thể tham gia các hoạt động mang tính tôn giáo như: Ăn chay, thiền, trị liệu tôn giáo và những hoạt động du lịch sinh thái như: Leo núi, thư giãn tại nơi nghỉ dưỡng…
Kết nối giữa hai khu vực Đông – Tây Yên Tử
Ngày 10/01/2018, Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh bàn phương án kết nối giữa Khu du lịch Tâm linh – Sinh thái Tây Yên Tử với Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của 2 địa phương, trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, nhưng phải bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất phương án tăng cường giao lưu, hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch vào dịp diễn ra các sự kiện du lịch, lễ hội; phối hợp thiết lập các tua, tuyến nối du lịch giữa hai tỉnh cũng như trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, cùng hỗ trợ nhau khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả, bền vững…Trước mắt, trong năm 2018 tỉnh Bắc Giang sẽ bắt đầu tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử quy mô cấp huyện (dự kiến vào ngày 12 tháng Giêng). Bởi vậy, tỉnh Bắc Giang đề nghị tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, phối hợp để cùng thống nhất phương án kết nối giữa Khu du lịch Tâm linh – Sinh thái Tây Yên Tử với Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Bậc lên Chùa Hạ
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử có nhiều điểm khác biệt với Khu du lịch Tâm linh- Sinh thái Tây Yên Tử như cảnh quan, rừng đặc dụng phải bảo tồn; tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thu phí tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, trong khi tỉnh Bắc Giang lại chưa thu. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến khai thác cũng như phát triển du lịch giữa hai khu vực phải được bàn bạc kỹ lưỡng. Quan điểm của UBND tỉnh Quảng Ninh là nhất trí sẽ phối hợp kết nối giữa hai khu vực, nhưng không phá vỡ quy hoạch chung, phải giữ vững môi trường, sinh thái, bảo vệ tốt rừng tự nhiên hiện có. Mục tiêu là phát triển du lịch nhưng phải song hành với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử”.
Chùa Hạ
Cổng tam quan chùa Hạ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị chính quyền hai tỉnh phải thành lập Đoàn khảo sát, đánh giá tác động của môi trường, thống nhất vị trí kết nối để giảm tải, đảm bảo không gây ùn tắc giữa 2 tuyến khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách tới tham quan, vãng cảnh.
Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch bền vững
Giờ đây, chạy xe ô tô liên tục, bắt đầu từ cầu vượt đường Hùng Vương – Tp.Bắc Giang (Quốc lộ IA), theo đường tỉnh lộ 293 (đường Tâm linh, đường Tây Yên Tử), hơn một giờ sau sẽ đến Khu du lịch Tâm linh- Sinh thái Tây Yên Tử.
Cáp treo xuyên rừng Tây Yên Tử
Hiện nay, các hạng mục đang được đẩy nhanh tiến độ thi công gồm: Chùa Thượng, Quảng trường, cổng Hoàng thành, nhà ga cáp treo đi và đến, khu nhà hàng, sân bãi tổ chức, nơi đỗ xe… Thông qua đó, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho Lễ khai Hội Xuân Tây Yên Tử năm 2018.
Thác Ba tia Tây Yên Tử
Sau khi hoàn thành, Khu du lịch Tâm linh- Sinh thái Tây Yên Tử sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới hấp dẫn và nhiều trải nghiệm nhất cho du khách trong và ngoài nước đó là: Hành trình lên núi rồi xuống biển, xuất phát từ chuỗi điểm du lịch của tỉnh Bắc Giang gồm chùa Vĩnh Nghiêm – Tây Yên Tử – Đông Yên Tử – Quảng Ninh – Hạ Long; thông qua tua du lịch sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho những người dân bản địa, đồng thời giới thiệu, quảng bá sản vật, ngành nghề truyền thống của các dân tộc đang sinh sống tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng rất chú trọng công tác bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học các loài động vật rừng, thực vật rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam; cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường như: Không vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi, quy hoạch bãi gửi xe, hàng ngày tổ chức thu gom rác…Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng ký cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh.
Sinh cảnh rừng tự nhiên
Rừng thôn Đồng Thông, Tây Yên Tử
Nguồn: moitruong.net.vn