Thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Ngày đăng: 05/06/2020Các quy định về quyền của các dân tộc thiểu số trong hệ thống luật pháp ở Việt Nam thể hiện rõ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 tại phiên họp ngày 15/5/2020. Đây là bước đi cụ thể mới nhất của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Đây là nguyên tắc cơ bản để thực hiện các quyền của dân tộc thiểu số trong một quốc gia nhiều dân tộc, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, hạnh phúc và văn minh mà ở đó, các giá trị quyền con người được đề cao.Việt Nam là quốc gia thống nhất với 54 dân tộc cùng chung sống. Đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 53 dân tộc nhưng chỉ chiếm 14,3% trong tổng số hơn 97 triệu người, lại cư trú ở nhiều khu vực khó khăn, miền núi và hải đảo. Chính vì vậy, chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước Việt Nam là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xoá bỏ tận gốc sự chênh lệnh về trình độ kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Hệ thống pháp luật đảm bảo quyền của đồng bào dân tộc thiểu số
Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Các quyền con người liên quan đến từng nhóm đối tượng xã hội, thành phần xã hội cũng được đề cập, đặc biệt là quyền được phát triển của các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013 cũng nhấn mạnh: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Theo Hiến pháp 2013, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Nhà nước ưu tiêu đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhìn một cách tổng thể, các quy định về quyền của các dân tộc thiểu số trong hệ thống luật pháp ở Việt Nam thể hiện rõ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số. Xét dưới góc độ quyền con người và quyền của các dân tộc thiểu số, hệ thống pháp luật của Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong quá trình hòa nhập vào sự phát triển các giá trị tiến bộ của nhân loại.
Bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung, pháp luật Việt Nam còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm quyền và thúc đẩy thực thi quyền cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu cho mục tiêu chung là thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc nơi đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số. - Ảnh minh học:qdnd
Quốc hội Việt Nam đặc biệt tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm các quyền con người về dân sự, chính trị; các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa nói chung và quyền của nhóm đối tượng dân tộc thiểu số nói riêng. Các quy định của pháp luật và quyền lợi của người dân tộc thiểu số được bảo đảm ở các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, bình đẳng trước pháp luật của công dân.
Để tăng cường thúc đẩy thực hiện các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ hơn cho việc bảo vệ và thúc đẩy, phát triển các quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Các giải pháp thực thi một cách đồng bộ và toàn diện các chương trình, chính sách phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa ở vùng dân tộc của Việt Nam hiện nay hướng tới thực hiện công bằng xã hội, giảm sự phân cách giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc. Việt Nam cũng hướng tới xây dựng những chính sách đặc biệt hơn để thực thi các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên sự thay đổi toàn diện trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là một ví dụ tiêu biểu mới nhất về câu chuyện này.
Điều đáng nói hơn là các chính sách phát triển đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn hướng tới xây dựng năng lực nội sinh, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thực thi, hội nhập hiệu quả trong chính sách phát triển quốc gia, biết tự chọn lọc, tự bảo vệ các giá trị, bản sắc dân tộc và quyền lợi cơ bản của cá nhân cũng như cộng đồng nhằm đảm bảo sự đa dạng, bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Nguồn: vovworld.vn/Thu Hoa