Những khúc hát trong Lễ hội Nàng Hai
Ngày đăng: 08/01/2018Cao Bằng có nhiều lễ hội truyền thống, đa dạng, phong phú. Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, cùng với niềm hân hoan đón chào năm mới, bà con các dân tộc lại tưng bừng náo nức trẩy hội vui xuân. Bên cạnh các lễ hội đền, chùa như: Pháo Hoa, Lồng tồng, Thanh Minh, Lễ hội Nàng Hai là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, nổi bật của dân tộc Tày.
Lễ hội Nàng Hai được tổ chức từ 2 - 3 năm một lần vào hạ tuần tháng Ba (âm lịch) ở thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng (Thạch An) và xã Tiên Thành (Phục Hòa). "Hai" tiếng Tày có nghĩa là “Trăng” chỉ Hằng Nga, cho nên lễ hội được gọi là Lễ hội Hằng Nga. Lễ hội chính thức diễn ra từ 1 - 3 ngày. Trước tiên, xóm, bản thống nhất người chủ trì, phân công giao việc, lựa chọn địa điểm tổ chức lễ hội... với sự đồng tâm, hiệp lực của các nghệ nhân dân gian làm cố vấn chương trình.
Cũng như nhiều lễ hội khác, Lễ hội Nàng Hai được tiến hành theo trình tự các nghi thức, nghi lễ gắn liền với từng khúc hát Nàng Hai hòa cùng những điệu múa, hát sinh động. Gường Bóng Nguyệt và Sở Hằng Nga đi đầu đoàn nam thanh, nữ tú trần gian lên mường trời tới cung Quảng Hầu để yết kiến các mẹ Nàng Hai giúp cho mùa vụ thuận hòa, cây trồng tươi tốt, mùa màng bội thu. Mở đầu là các khúc hát khởi hành, trình tấu như: "Mời Nàng Hai", "Cấm kỵ", "Ngóng đợi hồn Nàng Hai mường trời về nhập", "Trình tên thật của Gường Bóng Nguyệt và Sở Hằng Nga", "Trình việc", "Nhờ én", "Mời gọi lên đường", "Qua cánh đồng", "Vượt non ngàn", "Hú gọi vía". "Gọi về vía Sở, Gường trước đã/Hồn chớ tản vất vưởng đầu mường/Chớ tản mạn rừng thẳm đại ngàn/Theo Hằng Nga vào ngõ cửa thượng/Theo Bóng nguyệt qua cửa ngõ trời (bài Hú gọi vía). Đoàn người làm nghi lễ trước bàn thờ, nhờ khói hương, nhờ én làm sứ trình báo lên bề trên thiên giới. Đây là cả quãng đường dài của đoàn người trần thế náo nức vượt qua muôn trùng gian nan lên thượng giới cầu mùa. Tiếp theo, khi đã tới mường trời là hoạt động của Gường Bóng Nguyệt và Sở Hằng Nga cùng đoàn trần gian gặp gỡ các mẹ nàng Hằng Nga (đó là các nàng tiên) "Nơi Hằng Nga ba mươi tấm màn bao bọc/Mường Mẹ Nàng chín mươi tư màn vây quanh”... Đầu tiên, đoàn người tới yết kiến Mẹ Nàng Lạn Ba xin ngăn sóng nước vỗ và mở cửa để được đi lễ, rồi xin áo mường trời để thay và tiếp tục cuộc hành trình. Họ gọi đò vượt sông vào xin Mẹ Nàng Khắc Cơ thóc giống, cá giống và các loại giống cây trồng, vật nuôi khác, hai nàng Gường và Sở cùng thưa: “Con định xin thóc giống gieo trồng/Con định xin cá giống thả nước/Thóc xuống đồng chắc chắn trổ/Cá xuống đồng lập tức bơi/Trăm thứ cấp khá nhiều cho con". Mẹ Nàng Khắc Cơ cảm tình với hai thiếu nữ duyên dáng xinh tươi như hoa rừng, đẹp người khéo nói, thương đoàn trần gian vất vả, lận đận đến đây nên cấp nhiều loại giống cây, con quý cho mang về và còn dặn dò đến nhờ cậy Thiên Suông giết sâu bọ "Mẹ Nàng cất lời ngọt mới nói/Tìm hạt giống, qua bên tìm Pú Cấy/Giết sâu bọ, qua bên phải lạy Thiên Suông”. Mẹ Nàng Khắc Cơ "Cho nhiều thóc giống thuyền quá nặng/Cho nhiều cá giống chở không đi" nên đoàn người phải sang nhờ cậy Mẹ Nàng Bích Vân xin cấp thêm thuyền và suông (phu) giúp tải qua Ngân Hà. Sau đó, họ trình diện Mẹ Nàng Bích Lan xin giống bông dệt vải, giống cây dâu tằm tốt và xin Mẹ Nàng Lượng Tàm giống tằm quý "Trứng này mang về nở lắm tằm đầy nong/Lá dâu chăm theo tay tằm liền kéo kén/Cái kén bằng quả mận/Hai tay đè không vỡ/Kén tằm múc nước mỏ về ươm/Mới dệt nên khăn vàng tiến mẹ". Cho bõ chuyến đi đến mường trời, đoàn người trần gian lại tìm đến cả Mẹ Nàng Mạ Mỳ xin nhốt kỹ sâu bọ, không thả xuống dương gian phá hại cây lúa, cây màu, hoa trái "Cấm loài sâu miệng tù/Cấm loại bọ miệng bằng/Cấm sâu không cho sâu cắn lá/Cấm bọ không cho bọ đục thân/Chân lúa để nó sạch/Lá lúa để nó vươn/Gốc lúa bằng gốc cây móc/Bông lúa bằng bông hoa báng".
Như vậy, sáu Mẹ Nàng: Lạn Ba, Khắc Cơ, Bích Vân, Bích Lan, Lượng Tàm, Mạ Mỳ đều là sáu nàng tiên thượng giới ở cung Quảng Hầu đã làm thỏa mãn yêu cầu của mọi người. Gường Bóng Nguyệt và Sở Hằng Nga cùng đoàn mở hội cảm tạ các Mẹ Nàng Hằng Nga ngay xứ mường trời và ngỏ lời mời các nàng tiên xuống trần gian dự Hội Nàng Hai. Về đến dương gian, họ mở hội hát múa, dâng hương, bày cỗ khao thưởng hoan hỷ mừng chuyến đi lên thượng giới cầu mùa thành công. Sau đó, họ hát những khúc chia tay, tiễn đưa các Mẹ Nàng Hằng Nga ven bờ suối. Gường Bóng Nguyệt và Sở Hằng Nga còn phân phát thóc giống, cây, con cho làng bản rồi 2 nàng cùng đặt ngón chân cái lên hai con thuyền nhỏ đẩy nhẹ cho chúng trôi xa lững lờ theo dòng chảy. Trai gái dự hội cũng thả thuyền của mình xuống dòng suối để tiễn các tiên nữ về trời. Phần cuối cùng của lễ là Nàng Cả (Bà Then) gọi vía về cho hai thiếu nữ nhập vai Gường Bóng Nguyệt và Sở Hằng Nga, 2 nàng nhúng chân xuống dòng suối và như tỉnh lại trở về đời thực; ấy là lúc cuối chiều, hoàng hôn dần buông... Lễ hội Nàng Hai là hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của cộng đồng dân tộc Tày, rất cần được bảo tồn và phát huy.
Theo Báo Cao Bằng