Người Mường ở Hòa Bình đón tết Độc lập
Ngày đăng: 31/08/2018Ngoài tết Nguyên đán chung của cả nước, Tết cơm mới của dân tộc…từ lâu, người Mường ở Hòa Bình đã có thói quen mừng tết Độc lập 2/9. Ngày Quốc khánh của cả nước vì thế đã trở thành một ngày vui và đầy ý nghĩa trong cuộc sống, cũng như trong tâm thức của đồng bào dân tộc Mường Hòa Bình nói riêng và người Mường ở một số các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung.
Rộn ràng đón Tết Độc lập
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, người dân tộc Mường ở khắp các bản làng của tỉnh Hòa Bình lại rộn ràng đón tết Độc lập. Từ những vùng Mường lớn là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động mà người dân bản địa vẫn thường gọi (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) đến các xóm bản xa xôi đều nhộn nhịp cờ hoa vui Tết. Đây là truyền thống đã được người Mường duy trì kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay.
Anh Bùi Văn Kiên, trưởng thôn tại xóm Trê, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) chia sẻ, ngày trước người Mường ở quê tôi ăn tết Độc lập to lắm, cỗ bàn chuẩn bị rất linh đình, giết gà, giết lợn chẳng khác gì đón Tết cổ truyền. Để chuẩn bị cho ngày này, ngay từ ngày 30 – 31/8, nhiều gia đình đã tổ chức dọn dẹp nhà cửa, người già chuẩn bị gạo ngon, rượu cần…đám thanh niên thì sẵn sàng quần áo đẹp xúng xính. Mọi thứ được chuẩn bị tươm tất cho ngày 2/9…
“Sáng sớm của ngày tết Độc lập, khi mặt trời còn chưa kịp ló qua dãy núi thì nhiều gia đình trong bản đã lục đục gọi nhau thức giấc. Gà, lợn bắt đầu được mang ra giết mổ, tiếng kêu eng éc, quang quác…như xé tan cả màn sương sớm. Đâu đó, khói bếp từ những ngôi nhà sàn bắt đầu tỏa lên nghi ngút. Không lâu sau, đám trẻ con bắt đầu tỉnh giấc, chúng cất tiếng gọi nhau í ới. Lúc này, nhiều đứa đã mặc lên người những bộ quần áo đẹp nhất chạy lăng xăng khắp xóm. Nhà nào, nhà nấy lá cờ đỏ được dựng lên trước ngõ bay phấp phới…không khí rất vui tươi và háo hức”, anh Kiên nhớ lại.
Cũng theo anh Kiên, đối với người Mường, mâm cơm truyền thống để cúng giỗ tổ tiên là một tục lệ không thể thiếu trong ngày tết Độc lập. Tuy nhiên, mâm cơm trong ngày tết Độc lập cũng không quá cầu kỳ, bên cạnh các món ăn chính được chế biến từ động vật và gia cầm như: Lợn, gà, vịt…thì trong mâm cỗ không thể thiếu xôi ngũ sắc và các loại bánh, trong đó có loại bánh đặc biệt thường được người Mường gói vào các ngày lễ quan trọng trong năm đó là bánh Uôi (loại bánh được làm bằng bột nếp, nhân có đậu xanh hoặc là lạc. Mỗi chiếc bánh thường có 2 cái và được gói cuốn vào với nhau).
Mặc dù không phải là vùng Mường lớn, nhưng theo anh Kiên và người dân ở xã Tiền Phong chia sẻ, không khí đón tết Độc lập tràn ngập bản làng. Đặc biệt, trong khi một số người tập trung vào công việc bếp núc, cũng lễ…thì ngay từ sáng sớm, đám thành niên và trẻ con trong làng trong những bộ quần áo xúng xính kéo nhau đến nhà văn hóa để chơi các trò chơi dân gian như: Đánh đu, đẩy gậy, ném còn…thậm chí, nhiều vùng Mường lớn ở Hòa Bình còn tổ chức các hội thi hát Đúm (một lối hát giao duyên, hát đối đám của người Mường). Lúc này, tiếng cồng, chiêng nổi lên vang vọng cả núi rừng.
Chia sẻ về tục lệ ăn tết Độc lập của người Mường ở Hòa Bình, chuyên gia văn hóa Mường Bùi Huy Vọng – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Hòa Bình cho biết, trước đây vào ngày tết Độc lập, sau khi các trò chơi dân gian tại các bản làng được tạm gác, thì tại các gia đình mâm cỗ đã được bày biện sung túc. Các món ăn trong ngày này cũng không quá cầu kỳ, chủ yếu là các sản vật, nông sản địa phương như: Thịt lợn, thịt gà, bánh uôi, xôi ngũ sắc…
“Người Mường ăn tết Độc lập, cũng như việc chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn như là dịp để con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc cùng về quây quần, sum họp bên nhau mừng vui ăn Tết. Trong ngày Tết, mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt lành nhất và lời mời rượu. Bữa cơm, khi nhiều người đã ngà ngà trong men say rượu lá, thì cũng là lúc những lời ca, tiếng hát được cất lên.
Đó là những câu hát đối đáp, mời rượu mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm chân thành nhất của mỗi người, khiến bất kỳ thực khách nào cũng khó có thể khước từ. Đặc biệt, vào cuối bữa tiệc, sau khi khách khứa ra về, gia chủ thường tặng kèm một gói quà là những chiếc bánh Uôi truyền thống như một lời chúc sức khỏe, no đủ và hạnh phúc”, nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng chia sẻ.
Tết của sự tri ân
Đất nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một nét đẹp văn hóa tinh thần riêng. Trong đó, bên cạnh những ngày Tết riêng mang đậm ý nghĩa truyền thống, tín ngưỡng của dân tộc, thì chúng ta còn cùng nhau đón chung những ngày Tết cổ truyền của đất nước. Nhưng có lẽ, để tổ chức một cái tết Độc lập đậm đà bản sắc văn hóa, náo nức vui tươi đúng như không khí Tết để đón chào ngày Quốc khánh, thì quả là một nét văn hóa rất độc đáo trong đời sống của người Mường, cũng như các đồng bào dân tộc vùng núi cao Tây Bắc.
Chia sẻ về ý nghĩa độc đáo trong ngày tết Độc lập của người Mường ở Hòa Bình, nhà nghiên cứu Bùi Hy Vọng cho biết thêm, mọi người vẫn biết tết Độc lập của người Mường ở Hòa Bình được lựa chọn đúng vào ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bởi lẽ đây như một sự tri ân, sự đồng lòng của người dân với Đảng, với đất nước. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tết Độc lập của người Mường ở Hòa Bình cũng được bắt nguồn từ chính các nghi lễ của ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch).
Từ trước đến nay, với quan niệm “vạn vật hữu linh” người Mường vẫn tin vào sự bất tử của linh hồn, tin vào sự tồn tại của một cõi thiêng. Theo đó, trước khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì các người Mường ở Hòa Bình vẫn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong ngày Rằm tháng 7 Âm lịch nhằm tỏ lòng thành, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn được an khang thịnh vượng…Đồng thời, đây cũng là ngày để con, cháu tri ân đến các bậc sinh thành ra mình mà hiện nay mọi người vẫn thường gọi là Lễ Vu lan báo hiếu…
Tuy nhiên, vào thời điểm trước đây, do chính sách bài trừ mê tin dị đoan diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương, nên phong tục cúng lễ của người Mường ở Hòa Bình trong ngày Rằm tháng 7 đã bị mai một, thậm chí nhiều nơi không còn gìn giữ được. Vì thế, để ăn mừng ngày giải phóng, cũng như để có một ngày bày tỏ sự tri ân của mình với dân tộc, với tổ tiên, người Mường đã lựa chọn ngày Quốc khánh 2/9 làm ngày lễ, ngày tết cho dân tộc mình và tết Độc lập được bắt nguồn từ đó.
“Trong ngày tết Độc lập, người Mường không chỉ tổ chức vui chơi, lễ hội, chuẩn bị mâm cỗ để cúng lễ tổ tiên…mà ngày này, còn là dịp để nhiều người con ở các bản Mường lựa chọn để tri ân, cám ơn công lao sinh thành của cha mẹ, tổ tiên. Nhiều nơi, các chàng rể còn cùng nhau mua một món quá tặng cha mẹ vợ, hoặc cùng nhau mổ lợn để thiết đãi và quây quần bên gia đình”, chuyên gia nghiên cứu Bùi Hy Vọng cho biết.
Ngày nay, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” người dân tộc Mường ở Hòa Bình nói riêng và người Mường ở các tỉnh thành trên cả nước nói chung đã thực hiện ăn tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn. Tuy nhiên, ý nghĩa của ngày tết Độc lập đối với mỗi người, mỗi gia đình sẽ còn được lữu giữ mãi qua từng thế hệ và trở thành bản sắc riêng trong văn hóa Mường về giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục gia phong, nề nếp và chữ hiếu cho thế hệ trẻ. Đó là nét đẹp văn hóa, tập tục trong đời sống của người Mường cần được duy trì và phát huy.
Laodongthudo.vn