Nghệ thuật Rô Băm tại “Ngôi nhà chung”
Ngày đăng: 14/03/2019Rô Băm là loại hình nghệ thuật đỉnh cao của hình thức diễn xướng cổ nhất mà người Khmer Nam bộ đã và đang được bảo tồn và lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc và du khách tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tính triết lí giáo dục sâu sắc
Rô Băm là thành quả trong hoạt động trí tuệ, là sự sáng tạo độc đáo của người Khmer Nam bộ, là biểu trưng, là bằng chứng của văn hóa truyền thống Khmer. Là hình thức nghệ thuật vừa cổ điển vừa dân gian, Rô Băm có vị thế quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer trước đây.
Nghệ thuật Rô Băm vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer. Từ đó giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện - ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh.
Rơ Băm có 2 tuyến nhân vật, vai thiện không đeo mặt nạ
Vai ác thì đeo mặt lạ
Sân khấu Rô Băm dùng ngôn ngữ múa để diễn tả chuyện xưa tích cũ, xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, khai thác từ đề tài Phật giáo, đạo giáo Bàlamôn, quen thuộc, nhất là sử thi Ramayana của Ấn Độ. Có thể nói, hệ thống những triết lý giáo dục và đạo lý làm người của đồng bào Khmer xưa đều gói gọn trong nội dung và hình thức của loại hình sân khấu đặc sắc này, bởi nó được xây dựng trên nền tảng tư tưởng, thẩm mỹ đạo Phật Tiểu thừa.
Thiện bao giờ cũng thắng ác
Nghệ nhân Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn nghệ thuật Rô Băm Bưng Chông cho biết: Các điệu múa trong Rô Băm vừa sinh động vừa mềm mại gồm, Rom yeak (múa chằn), Apsara (múa tiên), Txu txai (điệu kết hợp của 12 động tác múa), múa khỉ Hanuman... Tính triết lý khắt khe, nhân văn cổ điển trong từng vở diễn Rô Băm luôn được đề cao khiến người xem phải có kiến thức và am tường bộ môn nghệ thuật này.
Rô Băm dùng ngôn ngữ múa để diễn tả
Bảo tồn và lan tỏa
Với quyết tâm giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo này, các đây 3 năm vợ chồng bà Hương cùng con cháu trong gia đình đã từ Sóc Trăng ra Hà Nội đến với Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Những ngày mới ra Hà Nội, nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ được. Nghệ thuật múa Rô Băm còn rất mới lạ với người miền Bắc, ít người quan tâm hoặc xem giữa chừng thì họ bỏ về.
Thấm thoát đã 3 năm, nghệ thuật Rô Băm đã được gia đình bà biểu diễn giới thiệu, tái hiện tại “Ngôi nhà chung” không biết bao nhiêu lần và du khách dần đã cảm nhận cũng như thấy thích thú loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nhiều người đã nán lại để tìm hiểu cũng như mong muốn được bà Hương chỉ dạy cho những động tác cơ bản nhất. Có những hôm gia đình bà biểu diễn hàng chục lần, tuy vất vả nhưng bà và các thành viên trong gia đình rất vui vì từng bước đã đưa nghệ thuật Rô Băm đến với công chúng, góp phần phổ biến và bảo tồn.
Biểu diễn Rô Băm ngay tại chính không gian ngôi nhà tại Làng Văn hóa
Du khách giao lưu và tương tác với nghệ thuật Rô Băm
Nói về việc đưa nghệ thuật Rô Băm về “Ngôi nhà chung” để bảo tồn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Sóc Trăng để có cơ chế phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho phát huy nghệ thuật múa Rô Băm truyền thống. Trong đó, địa phương giúp cho Làng Văn hóa tuyển chọn nhóm nghệ nhân ưu tú đại diện cho nghệ thuật Rô Băm để trình diễn giới thiệu, tái hiện ở “Ngôi nhà chung”. Về phía Làng Văn hóa, chúng tôi tạo điều kiện cho bà con làm chủ ngôi nhà mình, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc qua nghệ thuật múa Rô Băm bằng cách tạo các không gian từ trang trí, hỗ trợ âm thanh ánh sáng để nghệ thuật múa Rô Băm thể hiện đặc sắc nhất. Đồng thời chúng tôi tuyên truyền, quảng bá đến du khách, để du khách hiểu và quan tâm và giao lưu tương tác với nghệ thuật múa Rô Băm của dân tộc Khmer.
Bằng các cơ chế chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho nghệ nhân có thể giới thiệu, truyền dạy và quảng bá nghệ thuật múa Rô Băm. Đến nay chúng tôi đang cùng bà con tạo ra sự lạc quan phấn khởi tin tưởng loại hình nghệ thuật này có thể được bảo tồn và phát huy không chỉ tại “Ngôi nhà chung” mà còn lan tỏa tới các cộng đồng các dân tộc và du khách trong và ngoài nước, ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Nguồn: congthuong.vn