Lung linh Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc
Ngày đăng: 17/10/2018
Trong tiết trời trong xanh của mùa thu, bên dòng thác Bản Giốc hùng vĩ, huyền ảo, UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc lần thứ hai năm 2018. Đây là sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, những nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch huyện Trùng Khánh tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Qua đó thúc đẩy hợp tác du lịch quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình trọng tâm về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Cao Bằng.

Ngay từ sáng sớm ngày 13/10/2018, dòng người và xe đã nườm nượp về Lễ hội vừa để tham quan thắng cảnh nơi đây và chờ đợi tiếng trống khai hội. Dọc hai bên đường vào Khu du lịch thác Bản Giốc là những đồi dẻ, ruộng lúa chín vàng bên dòng Quây Sơn xanh biếc, hiền hòa. Đến thác Bản Giốc, nhìn từ trên cao những thảm lúa vàng, dòng thác cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa xuống hạ lưu trong xanh tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp, thơ mộng như một bức tranh sơn thủy hữu tình đắm say lòng người nơi miền biên viễn.

Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan, không gian ẩm thực thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Đến với lễ hội, du khách không khỏi choáng ngợp, thích thú được tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu về sản phẩm mang đậm bản sắc và hương vị địa phương, như: hạt dẻ, gạo nếp, cốm, các loại quả, bánh...; được hòa mình, chứng kiến bởi bàn tay khéo léo của người dân chuẩn bị các món ăn dân dã. Chị Nông Thị Uyên, cán bộ UBND xã Chí Viễn  (Trùng Khánh) chia sẻ: Ngoài trưng bày các đặc sản của địa phương, năm nay, các xã còn thực hiện "Mâm cơm đãi khách", mỗi mâm cơm có từ 8 - 10 món ăn và không thể thiếu các món: chân giò hầm hạt dẻ, xôi nếp ong, thịt vịt, lạp sườn... là những món ăn đặc sản, đậm nét vùng cao của địa phương giới thiệu đến du khách, bạn bè gần xa cùng thưởng thức. 
Chị Nguyễn Thúy Hà, ở thành phố Nam Định vui vẻ cho biết: Lần đầu tiên tôi được lên Cao Bằng đúng dịp lễ hội, được thưởng thức các món ăn ngon của bà con, tôi rất ấn tượng. Còn anh Phạm Minh Tuấn đến từ Hải Phòng nói: Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình lên Trùng Khánh. Qua lễ hội, được thưởng thức ẩm thực mà ở miền xuôi không có, tôi và gia đình thực sự cảm nhận các món ăn rất lạ miệng, rất độc đáo. Đây là một trải nghiệm rất thú vị đối với gia đình tôi. Tôi nghĩ các món ăn này bà con nên phát huy thêm để quảng bá cho chương trình văn hóa, du lịch, đặc biệt là văn hóa cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm, homestay. Anh Bhavesh và chị Sonyia, đến từ Ấn Độ phấn khởi: Thiên nhiên của Việt Nam rất tuyệt, đặc biệt được đến Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), không thể ngờ cảnh hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng đẹp đến thế, chúng tôi được trải nghiệm từ ăn, ở với bà con nơi đây, họ rất thân thiện, mến khách.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng nghìn người khắp nơi xa gần đã đổ về đây để dự đêm khai hội. Nơi tập trung đông người nhất là sân khấu được Ban tổ chức bố trí hoành tráng và lộng lẫy. Chương trình văn nghệ diễn ra tại lễ khai mạc với hơn 10 tiết mục ca ngợi quê hương Trùng Khánh, các làn điệu dân ca các dân tộc Cao Bằng; đặc biệt Đoàn nghệ thuật huyện Đại Tân, thành phố Tịnh Tây (Trung Quốc) đã đem đến cho Lễ hội một chương trình nghệ thuật đặc sắc.  

Tại lễ khai mạc, Bí thư Huyện ủy  huyện Trùng Khánh Phạm Văn Cao nhấn mạnh: Những năm qua, tiềm năng và lợi thế du lịch của huyện Trùng Khánh đã từng bước được phát huy và đạt một số kết quả tích cực: Tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ tăng trưởng nhanh trong cơ cấu kinh tế; lượng khách du lịch đến với Trùng Khánh ngày một tăng; các dịch vụ đang được đầu tư, phát triển; một số công ty, doanh nghiệp lớn, có uy tín đã và đang quan tâm, tìm hiểu, đăng ký đầu tư tại Khu du lịch thác Bản Giốc. 

Lễ hội năm nay diễn ra các hoạt động: Chương trình khai mạc lễ hội giao lưu văn nghệ với huyện Đại Tân, thành phố Tịnh Tây (Trung Quốc). Lễ tâm linh tại chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc, thực hiện một số nghi thức của phật giáo: Rước nước thiêng từ Bản Giốc lên chùa; cầu quốc thái dân an, bày tỏ lòng thành kính, tri ân với các anh hùng liệt sỹ; ngoài các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, kéo co, lày cỏ, hát giao duyên, bịt mắt bắt vịt... diễn ra một số trò chơi mới như đua xe đạp địa hình quốc tế, thi chèo xuồng Kayak trên sông Quây Sơn, sáng tác vẽ tranh về thác Bản Giốc (dành cho lứa tuổi thiếu nhi). Hội chợ ẩm thực giới thiệu các gian hàng, món ăn đặc sản, ẩm thực của địa phương, thi nấu ăn "Mâm cơm đãi khách" giữa 20 xã, thị trấn, khu trưng bày sản phẩm phục vụ du lịch do các nghệ nhân dân gian của địa phương sáng tạo; triển lãm phong cảnh quê hương Trùng Khánh và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác. 
Ngoài giá trị tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương Trùng Khánh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tiến tới xây dựng tuyến tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và trở thành sản phẩm tour du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn cao đối với du khách, lễ hội còn tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, láng giềng với huyện Đại Tân và thành phố Tịnh Tây (Trung Quốc), xúc tiến việc triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) mà chính phủ hai nước đã ký kết. Ngoài phát triển du lịch thắng cảnh thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh tiếp tục tập trung các sản phẩm du lịch mới, như: du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, khám phá gắn với du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca đặc sắc đưa vào chương trình phát triển du lịch gắn với sản phẩm địa phương, tạo sức phong phú thu hút du khách đến với thác Bản Giốc nói riêng và huyện Trùng Khánh nói chung.

Trong không gian của mùa thu vàng nơi biên giới, du khách được trải nghiệm cảm giác thư thái, cùng đắm mình trong vẻ đẹp lung linh, huyền ảo và những truyền thuyết lịch sử của động Ngườm Ngao; cùng khám phá miền đất địa đầu của Tổ quốc với nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh gắn với nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Theo baocaobang.vn