Lễ ra đồng (pặt oong) của dân tộc Pu Péo ở tỉnh Hà Giang
Ngày đăng: 23/07/2018
Người Pu Péo sinh sống chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đồng bào dân tộc Pu Péo sinh sống trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang vẫn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán mang bản sắc của dân tộc mình. Trong đó phải kể đến “Lễ ra đồng” có từ xa xưa gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Pu Péo.

Thiếu nữ dân tộc Pu Péo cùng trang phục truyền thống

Ngày 18/7, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Lễ Ra Đồng” và Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo xã Phố Là năm 2018. Trước đó, ngày 30/01/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 266, công bố 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, tỉnh Hà Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm có: Lễ ra đồng (Pặt oong) người Pu Péo xã Phố Là, huyện Đồng Văn, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng và Dân ca của người Bố Y xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Người Pu Péo được xếp vào nhóm ngôn ngữ Ka-Đai. Tộc danh chính thức PuPéo xuất phát từ cách đồng bào tự gọi mình là Ka Béo, Qabèo hay Han Beo v.v... Trong các tài liệu dân tộc học trước đây còn có nhiều cách ghi tên gọi khác như Pen ti, Pen ti LôLô, Ka Beo và Pu Péo Người Pu Péo có mặt tại Việt Nam cách nay khoảng 300 năm và có liên hệ thân thuộc với những người đồng tộc thuộc châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Những địa điểm mà người Pu Péo sinh sống như ở các xã Phố Là, Phố Bảng thuộc huyện Đồng Văn hay xã Sủng Tráng, huyện Yên Minh là những nơi có địa hình hiểm trở chủ yếu là núi đá, cao và dốc, khí hậu manh tính á nhiệt đới. Chính đặc điểm điều kiện tự nhiên này đã khiến người PuPéo được biết đến như là những cư dân nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm và làm thủ công nghiệp gia đình tự cấp, tự túc.

Người Pu Péo không sống ở trên núi cao như người Mông mà chọn những hồn địa giữa rừng núi để lập làng. Khu vực cư trú của người Pu Péo ở Phố Là, Sủng Tráng, hay Phú Lũng đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm khí hậu Á nhiệt đới. Dân tộc Pu Péo là một trong những dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang, tính đến nay, người Pu Péo ở Hà Giang có khoảng gần 700 người.

 Lễ ra đồng (pặt oong) của dân tộc Pu Péo, huyện Đồng Văn (Hà Giang) 

Lễ ra đồng, tiếng địa phương là “pặt oong” Pặt tiếng Pu Péo là làm sạch, còn oong là nước, pặt oong có nghĩa là làm sạch nước, là phát nước, phát lửa ra đồng đuổi những tà ma, điều xấu, những điều không may mắn, xui xẻo ra khỏi nhà, khỏi làng, ra khỏi vùng lãnh thổ của người Pu Péo. Theo các cụ cao niên người Pu Péo kể lại, xưa kia năm nào cũng vậy cứ đến tháng Giêng (từ ngày mùng 5 đến ngày 12 tết), tất cả người dân trong bản lại có mặt đông đủ để tham gia Lễ ra đồng (pặt oong) với mong muốn cầu chúc một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ ra đồng đã có từ lâu đời, trải qua thăng trầm của lịch sử đã có phần mai một và quy mô tổ chức cũng khác nhau nhưng vẫn mang đậm nét bản sắc dân tộc Pu Péo.

Trình tự Lễ ra đồng cũng hết sức quan trọng, trước hết là người dân trong bản góp 02 con gà (1 trống, 1 mái), 2 kg gạo nếp làm bánh để làm lễ cúng chung, dâng lên thần rừng, thần núi, thần nước, sông suối sau một năm làm ăn. Đồng thời cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người dân trong bản trong năm tới. Bên cạnh đó, các gia đình còn phải chuẩn bị mâm cúng lễ tổ tiên trong nhà. Lễ ra đồng được bắt đầu ở nhà thầy cúng (chủ lễ), tại bàn thờ tổ tiên nhà mình thầy cúng chuẩn bị một con gà trống luộc chín, bánh làm từ bột nếp, rượu, 03 phươn cơm - thịt để làm lễ vật dâng cúng. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên, thầy cúng làm một bó đuốc bằng rơm bện chặt, một đầu châm lửa còn đầu kia dùng dây buộc chặt lại; Hai tay thầy cúng cầm một con gà trống, một con gà mái mang vào cúng trước bàn thờ tổ tiên khoảng 05 phút, sau đó mang đến tất cả các gia đình trong bản để cúng.

Khi vào mỗi nhà, thầy cúng đến đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp hương để xin phép làm lễ xua đuổi tà ma. Xin xong, thầy cúng cầm bó đuốc đến các góc nhà, giường ngủ, bếp...để đuổi ma làm hại, vừa hua bó đuốc thầy vừa khấn với hàm ý làm sạch nước, làm sạch lửa, xua hết bệnh tật cho gia chủ khỏe mạnh, gia súc đầy đàn. Nghi lễ cúng trong các gia đình trong bản xong, thầy cúng chuyển sang cúng thần rừng tại địa điểm chung của bản. Đồ lễ cúng thần rừng dịp này đơn giản hơn lễ cúng thần rừng vào ngày mùng 6 tháng 6 hàng năm, chỉ có 02 con gà, cơm và thịt lợn.

Sau khi cúng thần rừng, thần ruộng, thầy cúng cho lập đàn để tiếp tục cúng ma trên trời, ma trên mặt đất và ma lang thang, đồ lễ dâng cúng cũng như cúng thần rừng. Lễ cúng dù lớn hay nhỏ đều diễn ra theo nguyên tắc bất di bất dịch đó là cúng dâng lễ vật (cúng sống) hai lần rồi mới cúng chín thì mới kết thúc. Sau đó tất cả mọi người trong bản sẽ cùng với cộng đồng các dân tộc khác sống trong vùng hòa vào những điệu nhảy múa, các làn điệu dân ca hát đối, hát giao duyên, cùng chơi các trò chơi như: Đánh đáo, đánh yến, chơi cù,... cuộc vui được kéo dài đến hết ngày hôm đó.

Người Pu Péo cho rằng cuộc vui càng được kéo dài thì năm ấy sẽ có nhiều niềm vui, may mắn và ấm no, hạnh phúc đến với mọi người. Có thể nói rằng, ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, làng bản yên bình “Lễ ra đồng” còn là sợi dây liên kết tinh thần cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản và là dịp để bà con trong bản gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Sau Lễ ra đồng người dân trong bản sẽ bước vào một mùa gieo hạt mới với niềm tin, hy vọng cây trồng sẽ tươi tốt, mùa màng bội thu đời sống của bà con trong bản ngày một phát triển hơn.

Hiện này, do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự biến thiên của lịch sử, quá trình di cư, chiến tranh, hay do đời sống kinh tế không ổn định nên “Lễ ra đồng” cũng như một số lễ hội khác của dân tộc Pu Péo đang có nguy cơ mai một. Chương trình nghiên cứu, sưu tầm Di sản văn hóa Phi vật thể được tỉnh Hà Giang thực hiện đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tiêu biểu của dân tộc trên địa bản tỉnh nói chung, dân tộc Pu Péo nói riêng được bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ mai sau thêm trân trọng và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lễ Hội ra đồng của người Pu Péo không chỉ có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Đồng thời góp phần giới thiệu đến du khách gần xa những phong tục tập quán, những lễ hội riêng của người Pu Péo hàng năm không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy một lễ Hội mang bản sắc của địa phương mà còn là việc nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc, tinh hoa, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Theo vanhien.vn