Lấy chứng nhận Halal để thâm nhập thị trường thực phẩm lớn
Ngày đăng: 29/08/2019Thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn, trong đó có thị trường thực phẩm, nông sản. Để tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận, tổ chức thực hiện lấy chứng nhận Halal.
Theo ông Ramlan Osman, Giám đốc kinh doanh Việt Nam Halal Center, trên toàn thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ người tiêu thụ sản phẩm Halal (phù hợp về chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi), trong đó 1 tỷ người ở Châu Á (Đông Nam Á là 230 triệu người). Giá trị sản phẩm Halal toàn cầu năm 2016 là 2,8 ngàn tỷ USD (Châu Á 1,5 ngàn tỷ USD). Những thị trường Hồi giáo rộng lớn là Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh …
Theo công bố tại Diễn đàn Halal thế giới, với nhóm hàng thực phẩm có chứng nhận Halal, giá trị trao đổi toàn cầu hiện vào khoảng 661 tỷ USD/năm. Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal sẽ chiếm khoảng 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên thế giới.
Do nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Halal, nhiều quốc gia đang chuyển biến nhanh để nắm bắt được những cơ hội từ thị trường này. Chẳng hạn, Malaysia đã định hình Kế hoạch tổng thể nền công nghiệp Halal 2.0 để toàn cầu hóa các đặc trưng nổi bật của Malaysia. Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất đang thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm kinh tế Hồi giáo, tập trung vào Tài chính Hồi giáo và Halal. Hàn Quốc đang thực hiện tham vọng trở thành một trong những điểm đến cho khách du lịch Hồi giáo. Brazil là nhà cung cấp gia cầm Halal lớn nhất cho các quốc gia Trung Đông. Úc là nước cung cấp thịt bò lớn nhất cho khu vực Trung Đông …
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường Halal toàn cầu. Trước hết, Việt Nam sở hữu nguồn nguyên vật liệu thô, dồi dào, rất tiềm năng cho Halal như cà phê, gạo, các sản phẩm từ biển, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả …
Hiện nay, Việt Nam đang có 20 sản phẩm xuất khẩu tiềm năng cho thị trường Halal, gồm: Cà phê xanh, gạo xay, hạt điều, hạt tiêu, trái cây tươi, chiết xuất cà phê, thực phẩm chế biến, cà phê rang, sắn khô, các loại hạt, trái cây chế biến, bánh ngọt, trà, bánh kẹo có đường, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn, bột mì và nước ép trái cây.
Điều đáng nói là 20 sản phẩm nói trên của Việt Nam mới đạt giá trị xuất khẩu 10,5 tỷ USD. Trong khi nhập khẩu riêng của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đối với các sản phẩm trên là 34,1 tỷ USD (năm 2016). Như vậy, dư địa thị trường để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng cho thị trường Halal còn rất lớn.
Để tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường Halal, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn Halal. Ông Ramlan Osman cho biết, việc chứng thực Halal khác với việc chứng thực các tiêu chuẩn khác ở chỗ nó không mang nhiều ý nghĩa về mặt quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm mà mang ý nghĩa chủ yếu về mặt tôn giáo. Theo đó, chứng nhận Halal không để cập đến các yếu tố kỹ thuật, tức là không yêu cầu về chất lượng mà chỉ yêu cầu nguyên vật liệu, quá trình sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu về Halal. Người Hồi giáo thường mua các sản phẩm có dấu chứng nhận Halal và trên bao bì sử dụng ngôn ngữ gần gũi với ngôn ngữ của họ.
Hiện nay, mỗi năm có thêm khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng nhận Halal, tập trung vào các sản phẩm như hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay, dược phẩm … Các doanh nghiệp đã được cấp các chứng chỉ như HACCP, ISO 22000:2005, GMP … sẽ dễ dàng hơn trong việc được cấp chứng nhận Halal.
Theo nongnghiep.vn