Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo
Ngày đăng: 12/05/2020
Nhân kỷ niệm lần thứ 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Người đã để lại nhiều di sản quý báu, trong đó có tư tưởng của Người về công tác tôn giáo, là những chỉ dẫn tuyệt vời luôn có giá trị, mà ngày nay chúng ta còn tiếp tục đào sâu, nghiên cứu kỹ. Người lôi cuốn được đông đảo đồng bào có đạo theo cách mạng không chỉ bằng đường lối đúng đắn mà còn bằng cả trái tim nhiệt huyết, chân thành và những hiểu biết sâu rộng về tôn giáo của mình. Trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết: Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo của Tiến sĩ Phạm Huy Thông.

UNESCO đã bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “danh nhân văn hoá thế giới năm 1990” - năm sinh nhật lần thứ 100 của Người.

Xin bạn đọc hãy đọc những dòng sau đây của con người vĩ đại này:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giê su, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” .

Phải có đôi mắt tinh tường của nhà khoa học và lòng bao dung của nhà văn hoá lớn mới nhận ra những tinh tuý nhất của các học thuyết, các vĩ nhân trên thế giới như vậy. Theo Hồ Chí Minh thì các vĩ nhân dù có quan điểm học thuyết có thể khác nhau nhưng họ đều có một mục đích chung là mưu tìm hạnh phúc cho con người và cho xã hội. Chính vì thế, với mỗi mẫu số chung đó, các vĩ nhân có thể vượt qua những khác biệt để cùng nhau chung sống hoà bình như bạn bè

“Tôi cố gắng làm vị học trò nhỏ của các vị ấy”. Câu nói thật khiêm tốn nhưng cũng thể hiện khí phách của một bậc vĩ nhân. Bởi nhận ra cái tốt của người khác, quyết học theo cái tốt đó thì chắc chắn cũng sẽ trở thành người tốt

Chỉ từng ấy cũng đủ để tên tuổi Hồ Chí Minh đứng bên cạnh những vĩ nhân của thế giới. Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ có thế, ngay với đạo Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một lập trường khác với nhiều nhà chính khách cùng thời. Người đã nhiều lần ca ngợi Đức Giê su trong các lá thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Giáng sinh:

“Cách đây gần hai nghìn năm, trong một đêm đông lạnh lẽo, Đức Thiên Chúa đã giáng sinh để cứu vớt nhân loại. Đức Thiên Chúa là tấm gương hi sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hoà bình, vì công lý.

Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay, tinh thần bác ái của ngài toả ra khắp, thấm vào lại sâu.

(Thư mừng Giáng sinh năm 1945) 

“Gần hai mươi thế kỷ trước, một vị Thánh nhân đã ra đời, cả đời người chỉ lo cứu hộ thế dân, hi sinh cho tự do bình đẳng”.

(Thư mừng Giáng sinh năm 1946)

“Gần hai nghìn năm về trước, Đức Chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái”

(Thư mừng Giáng sinh năm 1947)

“Chúa Cơ đốc hi sinh để cứu loài người khỏi ách nô lệ, đưa loại người về hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, tự do”

(Thư mừng Giáng sinh năm 1953)  “Cách đây 1953 năm, một người bình dân ra đời tên là Giê su. Xét theo Kinh Thánh thì mẹ Người là một cố nhân bị địa chủ bóc lột, ức hiếp...Bà phải ở cữ trong một cái chuồng bò lạnh lùng, hiu quạnh.

Từ bé đến lớn, Người không có tiền của, ruộng nương chỉ lao động mà sống... Suốt đời, Người ra sức bênh vực dân nghèo, đứng hẳn về phía giai cấp lao động.

Suốt đời người ra sức tuyên truyền: Yêu Tổ quốc, yêu chính nghĩa, yêu loài người....

Nhân ngày kỷ niệm Chúa Giáng sinh, chúng ta hoan hô đạo đức ái quốc, bình đẳng bác ái của Chúa”.

(Mừng ngày Chúa Giáng sinh năm 1953)

Ai cũng biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản với thế giới quan duy vật và đương nhiên coi tôn giáo là duy tâm và cũng có lần Người đã công khai nói lên quan điểm đó “Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế” (Thư gửi GM Lê Hữu Từ ngày 2-3-1947) nhưng điều ngạc nhiên là Hồ Chí Minh lại không bài xích, lên án các tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng mà lại còn ca ngợi các ưu điểm, những đóng góp của các tôn giáo vào sự thăng tiến của nhân loại. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ cầu hồn cho các liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc tổ chức tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội ngày 2-11-1946 và Người đã nhiều lần “cầu nguyện”rất thành tâm:

- “Tôi kính cầu Đức Thượng đế phù hộ Nhân dân Việt Nam giúp cho Việt Nam đi đến cuộc thắng lợi cuối cùng” (Thư mừng Giáng sinh năm 1946).

Đồng thời người cũng kêu gọi các giáo sĩ, giáo dân cùng thực hiện hành vi tôn giáo đó:

- “Vậy đồng bào hãy cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Cầu nguyện Chúa luôn ban phúc lành cho đồng bào” (Thư Giáng sinh năm 1948).

- “Tôi đề nghị toàn thể đồng bào Công giáo trong kỳ lễ Nôen này cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ giáo và lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta được thắng lợi” ( Thư Giáng sinh năm 1947).

Chỉ dẫn ra từng ấy cũng thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh không những tôn trọng các cử chỉ tôn giáo của người có đạo, mà còn thấy ích lợi của công việc đó, bởi người có lương tri không ai lại khuyên người khác làm một việc phi lý, vô nghĩa bao giờ.

Để thực sự tạo ra một hành lang pháp lý cho những người có đạo tự do thực hiện các hoat động tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều Sắc lệnh có những điều khoản riêng về tôn giáo. Ví dụ Sắc lệnh số 65 ngày 23-11-1945: “Ấn định nhiệm vụ Đông phương Bác cổ học viện” trong điều 4 có ghi:

“Cấm phá hỏng những đình, chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác: cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn.

Cấm phá huỷ những bi ký, đồ vật, chiếu sắc văn bằng, giấy má sách vở có tích tôn giáo hay không nhưng có ích cho lịch sử mà không bảo tồn”.

Hoặc trong điều 25 Sắc lệnh số 197 ban bố luật cải cách ruộng đất do Quốc hội thông qua ngày 4-12-1953 cũng có đoạn:

“Nhà Chung, nhà chùa, từ đường họ và các cơ quan tôn giáo khác được để lại một phần ruộng đất để dùng vào việc thờ cúng.

... Những người làm nghề tôn giáo nếu không đủ sống, đủ sức cày cấy và yêu cầu thì được chia một phần ruộng đất ở nơi họ hoạt động hoặc quê quán họ”.

Còn Sắc lệnh ký ngày 18-2-1946 ấn định những ngày tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, điều 1 ghi rõ:

“Những ngày tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo ấn định trong bản đính kèm theo bản Sắc lệnh này sẽ được coi là ngày lễ chính thức.

Trong những ngày ấy, các công sở toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực”

Trong 6 ngày lễ tôn giáo ghi trong Sắc lệnh, riêng Công giáo có 3 ngày Lễ Phục sinh, Lễ Các Thánh và Lễ Giáng sinh.

Đặc biệt Sắc lệnh 234 /SL về tôn giáo ký ngày 14-6-1955 gồm 5 chương, 16 điều khoản qui định chi tiết về quyền: “Tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của Nhân dân, quyền của các Giáo hội tham gia vào hoạt động xã hội và các sinh hoạt tôn giáo riêng của mình”. Rất nhiều điều vẫn còn là thời sự cho đến tận hôm nay được coi là cơ sở để soạn ra các văn bản pháp lý mới về tôn giáo vì nội dung của nó được các Giáo hội và giáo dân cơ bản đồng tình. Xin ghi lại. mấy điều để chứng minh:

“Điều 1: Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của Nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lí... )

Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân ý thức tôn trọng chính quyền Nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Điều 2: các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân.

Điều 4: Các tôn giáo được xuất bản và phát hành những kinh bổn, sách báo tính chất tôn giáo nhưng phải tuân theo pháp luật của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc xuất bản.

Điều 5: Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.

Điều 6: Các nhà thờ, đền chùa, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường giáo lí của tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Điều 9: Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học.

Điều 12: Để đảm bảo việc thờ cúng của Nhân dân và giúp đỡ các nhà tu hành, đối với phần ruộng đất mà nhà thờ, nhà chùa, thánh thất được sử dụng từ sau cải cách ruộng đất, Chính phủ sẽ chiếu cố và cho đóng thuế công nghiệp theo mức nhẹ hơn.

Điều 13: Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Toà Thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo.

Điều 15: Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của Nhân dân. Chính quyền dân chủ Cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ Nhân dân thực hiện”

Có pháp luật vẫn chưa đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách giáo dục thuyết phục mọi người nhất là cán bộ nhằm xoá đi những định kiến sai lạc về người Công giáo:

“Một số cán bộ có định kiến không đúng rằng cứ nói đến đồng bào Công giáo thì cho là phản động khó giáo dục thuyết phục. Nói vậy là sai ... đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được”

Trong một bức thư trao đổi với Giám mục Phát Diệm ngày 02/3/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi hiện có trong tay một số tài liệu. Sau khi xem xét kĩ các tài liệu ấy tôi nhận thấy: đồng bào tôn giáo thù ghét bọn thực dân Pháp và họ rất có lòng yêu nước” . Ngay cả khi lác đác nơi này, nơi kia có xảy ra các vụ xung đột giữa chính quyền Việt Minh và đồng bào Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh tìm biện pháp giải quyết ôn hoà cùng với các nhà lãnh đạo của Giáo hội địa phương. Chẳng hạn đầu năm 1947 ở Văn Hải, Phúc Nhạc (Ninh Bình) cũng có xảy ra xung đột ,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng trao đổi với Giám mục Lê Hữu Từ chỉ ra nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Người viết: “một đằng, có những người tôn giáo nhẹ dạ dễ tin, đằng khác có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ thiếu tế nhị. Những kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên, nhằm tạo ra không khí không lành mạnh ... Kết luận: Một đằng, chúng ta cần giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ như Giám mục đang làm. Đằng khác, cần giáo dục cán bộ của Chính phủ như bản thân tôi đang làm. Như vậy thì bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết toàn dân sẽ được thực hiện”.

Luật pháp nhà nước qui định mọi người bất kể tôn giáo nào cũng  đều bình đẳng trước pháp luật. Song đối với một số đồng bào Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chủ trương mềm mỏng hơn. Ví dụ một số giáo dân ở Pháp Diệm bị bắt trong các vụ xung đột, khi có thư đề nghị bảo lãnh của Giám mục địa phận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh thả ngay. Hoặc cuối năm 1951, hơn 300 nguỵ binh người Công giáo bị bắt làm tù binh, viết thư lên Chủ tịch xin tha tội. Dù bận trăm công ngàn việc, Người đã viết thư trả lời: “Các người bị giặc Pháp và bù nhìn ép buộc, hoặc bị chúng lừa phỉnh mà đi lính cho chúng chống lại Tổ quốc. Nhưng các người cũng là máu đỏ da vàng, khi đã hiểu thế chắc không ai nỡ làm nanh vuốt cho giặc, chống lại Tổ quốc để mang tiếng xấu muôn đời.

... Chính phủ sẽ khoan hồng đối với những người sớm quay về với Tổ quốc, sẽ trọng thưởng những người lập công lớn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có những việc làm thiết thực minh chứng lòng tin tưởng của mình đối với đồng bào Công giáo. Nhiều giáo dân được giao trọng trách trong Chính phủ và Quốc hội như Giám mục Lê Hữu Từ, ông Ngô Tử Hạ được mời làm “Cố vấn tối cao cho Chính phủ”, Linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng kinh tế, Bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Y tế...

Trong một bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 3 họp Đại hội lần thứ I, mọi người thấy có một cụ già duy nhất được ngồi đó là cụ Hà Văn Quận 122 tuổi mà Hồ Chủ tịch đã làm bài thơ ngợi ca:

Cụ là Công giáo nông dân

Bao nhiêu tuổi thọ cơ hàn bấy nhiêu...

Hồ Chủ tịch thương

Viết thư thăm cụ

Và tặng áo lụa

Với chiếc huy chương

Tuổi già đến lúc vinh quang

Người cày có ruộng - Thiên đàng là đây.

Chiếc ghế mà cụ Quận ngồi là của Chủ tịch nhưng Người đã nhường lại cho cụ già Công giáo nhiều tuổi nhất lúc đó.

Không phải chỉ có cụ Hà Văn Quận ở Nghệ An mới được hưởng huy chương mà còn nhiều giáo dân khác cũng được vinh dự đó như anh hùng lao động Hoàng Hanh, cụ Nguyễn Hữu Tiếu (Hà Bắc), bà Hoạch (Vĩnh Linh), chị Thường (Thanh Hoá). Nhiều xứ họ, địa phương có đông giáo dân mà lập được thành tích trong sản xuất, chiến đấu cũng nhận được thư khen và phần thưởng động viên khích lệ kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với hàng giáo sĩ Công giáo, Chủ tịch cũng có một thái độ tin yêu và kính trọng như thế.

Cách đây gần 50 năm, ngày 14/2/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đi bức điện thư cảm ơn Giáo hoàng Phao Lô VI về bức điện ngày 8 - 2 của Giáo hoàng “Mong muốn sớm có giải pháp hoà bình về vấn đề Việt Nam” Sau khi trình bày lập trường của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. Hồ Chủ tịch viết: “Tôi mong Ngài vì nhân đạo và công bằng hãy dùng ảnh hưởng của mình, đòi nhà cầm quyền Mỹ tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của Nhân dân Việt Nam là hoà bình, độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

Đây không phải là lần đầu tiên người ta thấy một thái độ tôn trọng của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Công giáo. Trước đó 12 năm, khi Đức Pio XII trong sứ điệp Giáng sinh năm 1955, Giáo hoàng ra lời kêu gọi cấm bom A và bom H, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ngay bài “Đức Giáo hoàng ra lời kêu gọi cấm bom nguyên tử” đăng trên báo Nhân dân ngày 29/12/1955 với Bút danh C.B. trong đó Người hoàn toàn tán thành và ca ngợi quan điểm của Giáo hoàng: “Thể theo nguyện vọng hàng chục triệu người giáo và lương”. Trong một bài báo khác cũng đăng trên báo Nhân dân ngày 20/9/1955, tác giả C.B lại lên tiếng khen ngợi những lời “bênh vực quyền lợi của Nhân dân lao động” của Đức Giáo hoàng Lêô VIII và Pio XI:

“Cần phải cố gắng làm sao cho mỗi một công nhân có đủ khả năng giúp đỡ gia đình của họ”

“Sự công bằng xã hội đòi hỏi những nhà cải cách nhằm đảm bảo cho mọi công nhân”

“Cần phải tìm phương pháp để cứu vớt đại đa số dân nghèo khỏi bị bóp nghẹt”

Hồ Chủ tịch kính trọng uy tín và tán đồng những quan điểm đúng đắn của những người đứng đầu Giáo hội và cả các giáo sĩ Công giáo người nước ngoài. Ngày 28/5/1952 khi được tin hai Linh mục Cagne và Bouyer tham gia biểu tình chống Mỹ ở thủ đô Paris bị cảnh sát bắt và tra tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài phản đối việc bắt và tra tấn hai Linh mục trên đồng thời ca ngợi hành động dũng cảm của hai vị đó. Rồi Linh mục Gagiero (người Italia) được trao giải Hoà Bình của Liên Xô, Hồ Chủ tịch vui mừng khích lệ, chia vui. Những ngày đầu của Chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà, dù bận rất nhiều công việc, Người vẫn dành thời gian đi đến các giáo xứ có Linh mục ngoại quốc coi sóc để thăm hỏi, chuyện trò trao đổi như đến Bắc Ninh thăm Linh mục Ataraz, đến Bắc Giang gặp gỡ cha Mayor. Giới Công giáo Pháp, không ít người đã ngạc nhiên khi tham dự hội nghị Phong-ten-nơ-bơ-lô, trưởng phái đoàn Việt Nam đã cử người mang thư đến mừng ngày sinh của Linh mục Gregoire, một người nổi tiếng thời đại cách mạng Pháp. Mở lại những trang tư liệu ghi chép những buổi họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời thấy có bàn nhiều về vấn đề Công giáo do Hồ Chủ tịch chủ trì như việc điều tra vụ ám sát Linh mục Phuôcniê ngày 25/9/1945, việc đồng ý để Giám mục Nguyễn Bá Tòng gửi điện sang Toà thánh đề nghị cộng nhận độc lập của Việt Nam hoặc ngày 27/9/1945 đồng ý để hai Giám mục Nguyễn Bá Tòng và Lê Hữu Từ gửi điện văn đến giới Công giáo Pháp, Anh, Mỹ và Toà thánh Vatican đề nghị ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam mới...

Với các giáo sĩ Việt Nam, Hồ Chủ tịch càng tỏ ra quan tâm ưu ái hơn. Tháng10 - 1945, Linh mục Lê Hữu Từ, dòng Châu Sơn được tấn phong làm Giám mục Phát Diệm, người đã cử đoàn cán bộ cao cấp gồm các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Mạnh Hà và cố vấn Vĩnh Thụy thay mặt Chủ tịch và Chính phủ về dự rồi ngày 25/1/1946, đích thân Hồ Chủ tịch về Phát Diệm mời vị Giám mục này làm “cố vấn tối cao”. Trong nhiều lá thư trao đổi với Giám mục cố vấn này, Hồ Chủ tịch luôn xưng hô “Đức cha Từ là bạn của tôi”, “vị cố vấn thân ái và đáng kính của tôi” và khích lệ : “Tôi được tin cụ, chịu khó đi nhiều nơi, kêu gọi đồng bào Lương - Giáo đoàn kết, ra sức ủng hộ Chính phủ kháng chiến cứu quốc, được nhiều kết quả. Tôi thành thật cảm ơn cụ...

Tôi kính chúc Đức cha mạnh khoẻ và xin Đức cha nhận nơi đây những lời chào thân ái và những lời chúc tất thắng”

Người ta có cảm giác rằng Hồ Chủ tịch luôn theo sát mọi thành tích của người Công giáo nhất là các giáo sĩ để động viên khích lệ kịp thời. Khi được tin Linh mục Lê Văn Yên ở Bắc Ninh “luôn luôn ra sức củng cố tinh thần đại đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo... tận tâm chăm sóc thương binh hay Giám mục Hồ Ngọc Cẩn - Giám mục Bùi Chu ủng hộ cả dây chuyền vàng của mình cho Chính phủ trong “tuần lễ vàng” đầu năm 1946, Hồ Chủ tịch viết thư khen ngợi ngay. Ngày 21/7/1968 máy bay Mỹ ném bom bắn phá Xã Đoài làm 2 Giám mục, 3 Linh mục, một số tu sĩ giáo dân bị thương. Hồ Chủ tịch đã gửi điện thăm hỏi, an ủi:

“Tôi rất động lòng khi được tin ngày 21-7 vừa qua, máy bay giặc Mỹ lại ném bom, bắn phá Xã Đoài làm hai cụ Giám mục, ba vị Linh mục bị thương, một số tu sĩ và đồng bào giáo và lương bị thương và bị hy sinh, nhà thờ bị phá hỏng, hàng trăm nhà dân bị phá huỷ.

Tôi gửi lời chúc sức khoẻ hai cụ Chánh và Phó giám mục mau trở lại bình thường.

Tôi gửi lời thăm hỏi và an ủi các vị Linh mục, tu sĩ và các gia đình đồng bào bị nạn”

Cũng chính Chủ tịch đã kí Sắc lệnh 32/SL ngày 25-4-1949 thưởng huy chương độc lập hạng nhì cho Linh mục Nguyễn Bá Luật vì thành tích “Vận động và hướng dẫn đồng bào Công giáo tích cực tham gia kháng chiến”.

Nhiều Linh mục, giáo dân ở Huế còn nhớ mãi hồi đầu năm 1949, 600 Linh mục tu sĩ đang bị kẹt trong vòng vây của bộ đội có nguy cơ bị đói vì hết đường tiếp tế lương thực. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc đánh liều viết thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin phép tiếp tế. Thật bất ngờ, một tháng sau, Linh mục Ngọc nhận được thư Hồ Chủ tịch, trong đó ghi rõ:

“1- Cho phép Linh mục Nguyễn Văn Ngọc được chở 9000 thùng lúa lên thành phố Huế trong vòng một tháng trợ cấp cho Nhà Chung.

2- Linh mục Ngọc được tự do đi lại trong tỉnh Thừa Thiên để coi sóc ruộng đất của Nhà Chung, tiếp tục trồng cấy không được bỏ ruộng hoang”

Cho đến lúc qua đời năm 1992, Linh mục Nguyễn Văn Ngọc đã nhiều lần kể lại kỉ niệm này với lòng biết ơn và lá thư của Hồ Chủ tịch được lưu giữ tại hội Thừa sai Paris (MEP) như một bằng chứng về lòng nhân ái của Hồ Chủ tịch với người Công giáo Việt Nam.

Rất nhiều Linh mục, Giám mục khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gọi điện, thư chia buồn rất chân thành. Đây là những lời cảm động chia buồn với đồng bào Công giáo giáo Phận Bùi Chu với sự ra đi của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn:

“Tôi rất lấy làm đau đớn được tin Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã từ trần. Tiếc vì chiến sự, tôi không thể về dự đám tang Giám mục. Tôi nhờ Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu 3 thay mặt đến dự lễ và chia buồn cùng đồng bào Công giáo địa phận Bùi Chu”.

 

Khi Linh mục Lâm Quang Học ở Nam Hà (thuộc giáo phận Bùi Chu) qua đời tháng 11-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gửi điện cho đồng bào Công giáo Nam Hà:

“... Được tin cụ Lâm Quang Học thọ 108 tuổi vừa qua đời. Tôi rất thương tiếc. Tôi gửi lời chân thành chia buồn với đồng bào Công giáo tỉnh nhà...

Tôi mong rằng đồng bào Công giáo hãy noi gương tốt của cụ Lâm, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, góp phần xứng đáng cùng toàn dân chống Mỹ, cứu nước thắng lợi” .

Mặc dù công việc những ngày tiếp quản Thủ đô rất cấp bách nên không đến dự buổi an táng Linh mục Phạm Bá Trực ở Đại Từ, Thái Nguyên được, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết bài điếu văn và cử Bộ Trưởng Phan Anh thay mặt đọc tại lễ an táng làm xúc động tất cả mọi người trong lễ tang:

“Tôi xin thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn cụ. Từ ngày Nhân dân tin tưởng ở cụ làm đại biểu Quốc hội và Quốc hội cử cụ vào Ban Thường trực, cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của con người đại biểu chân chính cho Nhân dân Việt Nam.

Nay cụ mất đi, Chính phủ và Nhân dân vô cùng thương xót. Trong lúc ốm nặng cụ thường nói với tôi: mong trông thấy kháng chiến thắng lợi thì dù chết cụ cũng thoả lòng.

Nay hoà bình trở lại, cụ đã thoả lòng

Nhưng tiếc rằng cụ không còn nữa để giúp nước, giúp dân. Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tụy ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm tròn sự nghiệp mà suốt đời cụ mong muốn tức là: củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quí của chúng ta”.

Hồ Chủ tịch là con người thuỷ chung nhưng cũng là người có ân có nghĩa. Nhận bất cứ món quà nhỏ của ai, Người cũng đều có lời cảm ơn. Tháng 9-1948 Linh mục Thuyết và giáo dân ở xã Hưng Thái (Yên Bái) biếu Người ít cao và mật ong để dùng, Hồ Chủ tịch đã viết thư cảm ơn ngay. Hôm về dự lễ lạc thành đê Hưng Nhân (Thái Bình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt xúc động khi Liên đoàn Công giáo ở đây tặng Người một khung ảnh bằng lụa do các chị nữ tu nhà Dục Anh, Thái Bình tự tay làm. Trong Thư cảm ơn, Hồ Chủ tịch viết: “Các bà phước ngày đêm chăm lo nuôi trẻ con rất khó nhọc còn mất thì giờ thêu cái khung ảnh rất đẹp. Tôi thấy trong từng đường kim, trong mỗi mũi chỉ đã thấm thía bao nhiêu cái tinh thần yêu mến giữa đồng bào Công giáo với tôi” .

Người Công giáo có câu “lời giáo huấn là nẻo quanh, gương lành là lối tắt”. Thật vậy, chính thái độ tin yêu, tôn trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đạo Công giáo Việt Nam nên tạo được sự cảm phục cho nhiều học giả phương Tây. Nhà sử học Pháp Xanhtôny viết: “Về phần tôi, phải nói rằng: chưa bao giờ tôi có thể nhận thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dấu rất nhỏ của sự công kích đa nghi, hoặc chế diễu đối với một tôn giáo nào bất kỳ. Và tôi không thể quên được tháng 6-1946, thời gian Người đi thăm Lộ Đức. Bao giờ cũng tọc mạch tìm hiểu, bao giờ cũng lịch thiệp, cụ tỏ ra chú ý kính trọng trong lúc nói chuyện với Giám mục Theas của Lộ Đức là người đã rất tha thiết muốn gặp cụ” .

Còn Hê len Tuốc-nây-ra nhà văn, nhà báo phương Tây lại có nhận xét tinh tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Ở con người Hồ Chí Minh mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình...Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh vời sự kết hợp đức khôn ngoan của Đức Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp tự nhiên” .

Nếu làm nhiều việc riêng lẻ như trên thì nhiều chính khách trên thế giới có thể làm được, nhưng hành động một cách hệ thống với tấm lòng chân thành như Hồ Chủ tịch thì khó có chính khách nào bắt chước. Có lẽ vì thế, Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu đã tập hợp được đồng bào các tôn giáo quanh mình trong công cuộc giải phóng và bảo vệ đất nước. Người Công giáo đã có mặt trong hàng ngũ cùng với đồng bào kháng chiến chống Pháp từ rất sớm từ thời Duy Tân, như những Linh mục Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Tường, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Phong Lưu, thầy già Mai Lão Bạng... và như trên đã nhắc tới, cách mạng tháng 8 vừa thành công, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới vừa ra đời, Giám mục Nguyễn Bá Tòng đã thay mặt người Công giáo gửi thư sứ điệp cho Giáo hoàng Pio XII ngày 23/9/1945 để chia sẻ niềm vui và lòng quyết tâm bảo vệ đất nước của cả dân tộc Việt Nam trong đó có đồng bào Công giáo. Lá thư có đoạn:

“Nhân dân Việt Nam yếu quí của chúng con muốn nhờ trung gian 4 vị Giám mục của họ, dâng lên Đức Thánh Cha tôn kính sâu xa và xin Đức Thánh Cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà Nhân dân chúng con mới giành lại được và quyết tâm bảo vệ với mọi giá. Chính phủ chúng con cũng đã ra một nghị quyết tốt đẹp và nhân ái, chọn ngày Quốc khánh cho cả nước trùng với lễ kính các vị tử đạo Việt Nam, mà Toà Thánh mới cho phép mừng vào chủ nhật đầu tháng 9. Toàn thể Nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, mừng lễ này với một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có, với những cuộc biểu tình to lớn và náo nức, tỏ ra cho thấy toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền của mình, dẫu có phải đổ máu.

... Đứng trước những biến cố hết sức xúc động như thế này và bản thân chúng con cảm động tận đáy lòng, vì ý thức bản thân thiêng liêng đối với Tổ quốc chúng con, các Giám mục người Việt Nam, chúng con nài xin Đức Thánh Cha Toà thánh Rôma, các Đức Hồng y, các Đức Tổng Giám mục và toàn thể anh chị em Công giáo khắp thế giới và đặc biệt là Công giáo Pháp, hãy hộ trợ cho việc quyết định của Tổ quốc yêu quí của chúng con”.

Ít lâu sau cả 4 Giám mục là người Việt Nam lúc đó, cùng ký tên vào lời kêu gọi gửi anh chị em Kitô hữu toàn thế giới ủng hộ độc lập của nước Việt Nam với lời lẽ rất thiết tha cảm động:

“Trong lúc hoà bình đã được vãn hồi trên toàn thế giới, lẽ ra chúng tôi cũng phải được cùng bao dân tộc khác hàn gắn các đổ nát do chiến tranh tàn phá gây ra, thay vì tiếp tục dồn thêm đổ nát. Chúng tôi phải chịu ảnh hưởng không sao tránh khỏi của cuộc chiến tranh vừa qua, đã tàn phá và xáo trộn tất cả. Chúng tôi phải chịu một nạn đói khủng khiếp làm chết đi nhiều đồng bào và một nạn đói mới có thể còn khủng khiếp hơn nạn trước xẩy ra.

Hỡi anh chị em Công giáo thế giới, hãy đến trợ giúp cho các niềm giáo phồn thịnh đức tin của Việt Nam. Hãy đến viện trợ cho Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đã từng cống hiến cho anh chị em 90.000 vị nhân chứng đạo thánh và còn hứa hẹn nhiều mùa gặt to lớn hơn. Hỡi Nhân dân các nước Anh và nước Mỹ, hãy cho chúng tôi sự can thiệp có ích lợi, khiến chúng tôi thoát khỏi cảnh rùng rợn của chiến tranh, trong khi cả thế giới đã được hưởng thái bình”.

Còn các Giám mục, Linh mục và giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình lại viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng son sắt:

“Dù phải hi sinh xương máu để kiến thiết một Nhà nước tự do hạnh phúc hoàn toàn thì chúng tôi cũng sẵn sàng” .

Ông Nguyễn Mạnh Hà một trí thức Công giáo từng được cử giữ chức Bộ trưởng kinh tế trong Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên tâm trạng của nhiều người Công giáo và của chính mình khi trả lời phỏng vấn tờ L’ Express hồi đó:

- “Theo ý ông, ai xứng đáng là lãnh tụ của Nhân dân Việt Nam ?

- Ông Hồ Chí Minh, mặc dù ông ấy là cộng sản- ông Hà trả lời.

- Ông là người Công giáo, một người hữu thần tại sao ông lại theo cộng sản?

- Tôi không tán thành thuyết vô thần, nhưng tôi tán thành chương trình hành động kháng chiến giành độc lập của ông Hồ Chí Minh” .

Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mong muốn là nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, hạnh phúc. Đó cũng là mục đích làm cách mạng của Bác. Lý tưởng tốt đẹp đó đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp Nhân dân Việt Nam trong đó có đồng bào các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, theo cách mạng đến cùng và giành được những thắng lợi hết sức vẻ vang trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là những bài học quý báu về tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác tôn giáo mà ngày nay chúng ta cần phải tiếp tục kế thừa và phát huy trên một tầm cao mới.

 

TS. Phạm  Huy Thông