MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Hàng ngàn ngư dân Cà Mau tham dự Lễ hội Nghinh Ông
Ngày đăng: 21/03/2019Ngày 20/3, đông đảo ngư dân miền biển Cà Mau và khách thập phương tham dự Lễ hội Nghinh Ông diễn ra tại cửa biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Đây là lễ hội dân gian mang đậm nét truyền thống, văn hóa độc đáo được ngư dân vùng biển Cà Mau duy trì tổ chức từ ngày 14 - 16/2 Âm lịch hàng năm, nhằm suy tôn linh vật mà ngư dân thường gọi là cá Ông, vì đã có công cứu giúp nhiều ngư dân vượt qua hoạn nạn khi đánh bắt hoặc lưu thông trên biển.
Ngư dân vùng biển Cà Mau phấn khởi tham gia lễ rước Ông rất trang nghiêm. Theo nghi thức truyền thống, hàng trăm chiếc tàu đánh cá được ngư dân trang trí lộng lẫy cờ, hoa, lễ vật liên kết thành đoàn tàu đồng loạt tiến ra khơi. Trên đường ra biển, nếu gặp cá Ông phun nước thì đoàn tàu quay trở về ngay còn không gặp cá Ông xuất hiện thì ngư dân tiếp tục cầu nguyện và xin keo đến khi nào được thì mới trở vào đất liền. Sau đó, ngư dân mới tiếp tục thực hiện các nghi lễ, cúng bái tại Vạn Lăng Ông (tại khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) và khấn nguyện cầu mong cho ''biển yên, sóng lặng'', ''mưa thuận gió hòa'', đánh bắt nhiều thủy sản sau mỗi chuyến đi biển.
Tại Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, khách thập phương bị cuốn hút bởi các hoạt động mang tính cộng đồng, dân cư vùng biển như: trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực miền biển, thưởng thức chương trình văn nghệ, thể thao... góp phần cho lễ hội không chỉ phong phú, hấp dẫn, mà còn thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer...
Theo ngư dân Sông Đốc, tại miền biển này đã phát hiện xác cá Ông trôi dạt vào bờ vào năm 1925, sau đó gìn giữ xương cốt thờ trong lăng, nay gọi là Vạn Lăng Ông Nam Hải. Ngoài bộ xương cá Ông kể trên, Vạn Lăng Ông Nam Hải hiện đang trưng thờ các bộ xương sườn, cốt những cá Ông trôi dạt vào bờ các năm 1951, 1953, 1963. Lăng mộ trên đã được Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật trao bằng bảo trợ vào năm 2013.
Theo TTXVN